Hotline tư vấn: 0243 999 0601
Tư vấn qua email: info@luatminhbach.vn

Tháng Chín 13, 2016

Câu hỏi:

Hiện nay mùa mưa bão đang tới, tình trạng cây xanh ở Hà Nội mới được đào lên trồng lại, chưa chắc chắn. Khi mưa gió to có thể gãy, đổ, bật gốc. Đã có nhiều trường hợp cây đổ vào phương tiện, nhà dân, gây thiệt hại lớn về tài sản, cũng như làm bị thương người dân. Vậy xin hỏi luật sư, khi xảy ra tai nạn thì có thể kiện đòi bồi thường được không? Và kiện đòi bồi thường thì đòi ai? Cám ơn Luật sư.

Người gửi câu hỏi: N.L.Y – Hoàn Kiếm – Hà Nội.

cay-do

Ảnh minh họa (internet)

Luật sư trả lời:

Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 (Bộ luật đang có hiệu lực ở thời điểm hiện nay) thì khi cây cối đổ, gãy mà gây thiệt hại đối với người khác thì chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, việc xác định mức bồi thường, phương thức bồi thường thì được áp dụng theo nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được quy định tại chương XXI của Bộ luật Dân sự. Tuy nhiên, trong trường hợp việc cây đổ, gẫy gây thiệt hại là do hoàn toàn lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả khác thì sẽ loại trừ trách nhiệm của chủ sở hữu cây.

Như vậy, ở đây việc xác định có được bồi thường hay không phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra thiệt hại.

Quy định pháp luật thì là như vậy, tuy nhiên, để có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại trên thực tế sẽ là vô cùng khó khăn. Bởi ở đây, chúng ta rất khó để xác định “chủ sở hữu” của những cái cây này để khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại. Về danh nghĩa thì những cây xanh công cộng này thuộc sở hữu nhà nước. Tuy nhiên, người dân không thể khởi kiện “Nhà nước” một cách chung chung để yêu cầu bồi thường. Trong khi đó, nếu người dân khởi kiện các Công ty cây xanh để yêu cầu bồi thường thì cũng sẽ “vướng” bởi các công ty này chỉ là đơn vị quản lý chứ không phải chủ sở hữu, thế nên sẽ không phát sinh trách nhiệm bồi thường.

Trong trường hợp này, nếu cây gãy, đổ vào các phương tiện xe cơ giới (như ô tô, xe máy….) hay vào người gây ra các thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản mà các đối tượng này đã mua bảo hiểm thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ thuộc về các đơn vị bảo hiểm. Bởi đây ra rủi ro xảy ra với các đối tượng bảo hiểm.

Còn trong trường hợp nếu các đối tượng này không mua bảo hiểm thì sẽ coi như là một rủi ro xảy ra do thiên tai và đây là một trong những sự kiện bất khả kháng được quy định trong Bộ luật Dân sự. Vì thế, sẽ không đặt ra trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong các trường hợp này.

Tuy nhiên, quy định về việc bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra theo quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015 (có hiệu lực từ thời điểm 1/1/2017) sẽ có những thay đổi một cách cơ bản. Cụ thể, trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ thuộc về “Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý” trong trường hợp cây bị đổ, gãy dẫn đến thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản của người bị thiệt hại (Điều 604 Bộ luật Dân sự năm 2015). Như vậy, đối tượng có trách nhiệm bồi thường đã được pháp luật cụ thể hóa và trong trường hợp này, trách nhiệm của các cơ quan quản lý về cây xanh sẽ được đặt ra và xem xét trong trường hợp để xảy ra việc đổ, gãy gây thiệt hại chứ không chỉ đối với mình “chủ sở hữu” như quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2005.

Trân trọng!

Câu hỏi:

Thông qua vụ việc một clip quay cảnh 9 thiếu niên bị bắt gặp trong nhà nghỉ phát tán trên các trang mạng vừa qua, xin luật sư giải đáp một số câu hỏi dưới đây:

Việc quay clip, dùng lời mạt sát các thiếu niên rồi tung lên mạng như vậy có vi phạm pháp luật? Nếu vi phạm thì sẽ xử lý như thế nào?

Người gửi câu hỏi: D.V.K – Hoàn Kiếm – Hà Nội.

aaaaaaaaaa

Ảnh minh họa (internet)

Luật sư trả lời:

Cám ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Luật Minh Bạch!

Về câu hỏi của bạn, chúng tôi xin được giải đáp như sau:

Theo quy định của pháp luật dân sự Việt Nam thì quyền của cá nhân đối với hình ảnh của mình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc sử dụng bất kỳ hình ảnh nào của cá nhân đều phải được sự đồng ý của người đó. Trong trường hợp cá nhân đó dưới 15 tuổi thì phải được sự đồng ý của cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng. Pháp luật nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

Như vậy, trong trường hợp người quay clip nêu trên rồi tung lên mạng mà chưa được sự cho phép của các cá nhân hoặc người giám hộ hợp pháp của các cá nhân (đối với trường hợp các em chưa đủ 15 tuổi) là vi phạm quy định của pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền của các em đối với hình ảnh cá nhân của mình.

Để xử lý đối với hành vi vi phạm này, các cơ quan chức năng cần phải triệu tập người quay clip đến làm việc để làm rõ động cơ, mục đích của việc quay clip và phát tán lên mạng. Trong trường hợp xác định việc quay clip nhằm mục đích làm nhục người khác, xâm phạm danh dự, uy tín của người khác hoặc đưa thông tin lên mạng máy tính trái phép mà gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì có thể có dấu hiệu của tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 121 Bộ luật Hình sự hoặc tội đưa thông tin, hình ảnh trái phép lên mạng máy tính theo quy định tại Điều 226 Bộ luật Hình sự.

Ngoài ra, các cá nhân bị xâm phạm về hình ảnh, có quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án buộc người xâm phạm phải chấm dứt hành vi vi phạm, bồi thường thiệt hại, công khai xin lỗi đối với hành vi sử dụng trái phép hình ảnh của mình theo trình tự Tố tụng dân sự.

Trong clip, người quay còn dùng những lời lẽ không đúng mực để quát tháo, xúc phạm các em cũng là hành vi vi phạm pháp luật. Bởi danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được pháp luật bảo vệ và buộc mọi người phải tôn trọng.

Trong trường hợp này, hành vi vi phạm có thể bị xử lý theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP với mức xử phạt từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng

. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

  1. a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác”;

Luật tố tụng dân sự 2015

Các bước thành lập doanh nghiệp

ho-so-thanh-lap-cong-ty-tnhh

Ảnh minh họa

Giai đoạn 1: Chuẩn bị đầy đủ các thông tin cần thiết để lập hồ sơ thành lập doanh nghiệp.

  • Bước 1:Lựa chọn loại hình doanh nghiệp để bắt đầu khởi nghiệp. Chủ doanh nghiệp cần phải hiểu rõ đặc điểm của từng loại hình doanh nghiệp để có thể xác định và chọn lựa loại hình doanh nghiệp phù hợp nhất với định hướng phát triển của công ty. Các loại hình doanh nghiệp phổ biến ở Việt Nam bao gồm: Doanh nghiệp tư nhân, Công ty hợp danh, Công ty TNHH 1 thành viên, Công ty TNHH (2 thành viên trở lên), Công ty cổ phần. Tham khảo chi tiết đặc điểm các loại hình công ty/doanh nghiệp
  • Bước 2:Chuẩn bị bản sao chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của những thành viên (cổ đông). Việc chọn lựa ai sẽ là thành viên (cổ đông) của công ty sẽ do chủ doanh nghiệp quyết định, tuy nhiên số lượng thành viên và cổ đông sẽ được quy định bởi loại hình doanh nghiệp.
  • Bước 3:Lựa chọn đặt tên công ty, tốt nhất bạn lên lựa chọn đặt tên công ty ngắn gọn, dễ nhớ, dễ phát âm và tên công ty này không bị trùng lắp hoàn toàn với các đơn vị đã thành lập trước đó (áp dụng trên toàn quốc). Để xác định tên công ty mình có bị trùng với những công ty khác hay không, bạn có thể truy cập vào “Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia” để tra cứu.
  • Bước 4:Xác định địa chỉ trụ sở thuộc quyền sử dụng hợp pháp của công ty.
  • Bước 5:Xác định vốn điều lệ để đưa ra kinh doanh.
  • Bước 6:Xác định chức danh người đại diện theo pháp luật của công ty. Về chức danh người đại diện theo pháp luật của công ty nên để chức danh người đại diện là giám đốc (tổng giám đốc).
  • Bước 7:Xác định ngành nghề kinh doanh chuẩn hoá theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh.

 

Giai đoạn 2: Soạn thảo và nộp hồ sơ thành lập công ty

  • Bước 1:Soạn thảo hồ sơ công ty, chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ quy định tại Điều 20 Nghị định 43
  • Bước 2:Nộp hồ sơ đến Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính (Nghị định 78/2015/NĐ-CP). Sau 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, nếu hồ sơ của bạn hợp lệ bạn sẽ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

 

Giai đoạn 3: Làm con dấu pháp nhân

  • Bước 1:Mang một bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đến cơ sơ có chức năng khắc dấu để thực hiện việc làm con dấu pháp nhân cho công ty. Cơ sở khắc dấu sau khi khắc xong dấu pháp nhân sẽ chuyển cho cơ quan công an tỉnh, thành phố để công an tiến hành kiểm tra đăng ký và trả con dấu cho doanh nghiệp.
  • Bước 2 :Nhận con dấu pháp nhân – Khi đến nhận con dấu, đại diện doanh nghiệp mang theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (bản gốc) và xuất trình CMND cho cơ quan công an. Ngoài ra, nếu đại diện hợp pháp của doanh nghiệp không thể trực tiếp đi nhận con dấu thì có thể ủy quyền (ủy quyền có công chứng) cho người khác đến nhận con dấu.

 

Giai đoạn 4: Thủ tục sau thành lập công ty

Một doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề không có điều kiện sau khi có Đăng ký kinh doanh và con dấu là có thể tiến hành các hoạt động kinh doanh của mình theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014.

Tuy nhiên theo quy định pháp luật, sau khi có Đăng ký kinh doanh Doanh nghiệp cần thực hiện các công việc như sau:

  • Bước 1:Tiến hành đăng ký khai thuế ban đầu với cơ quan thuế tại nơi đăng ký kinh doanh trong thời hạn quy định.
  • Bước 2:Tiến hành đăng ký kê khai thuế qua mạng điện tử thông qua dịch vụ chữ ký số, “Từ ngày 01 tháng 7 năm 2013 tất cả các doanh nghiệp trong cả nước phải kê khai, nộp tờ khai thuế qua mạng, nội dung này được quy định trong Luật số 21/2012/QH13 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế”.
  • Bước 3:Đăng bố cáo (Luật Doanh nghiệp);
  • Bước 4:Nộp tờ khai và nộp thuế môn bài (theo Mẫu số 01/MBAI ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài Chính).
  • Bước 5:Nộp thông báo áp dụng phương pháp tính thuế GTGT (theo Mẫu số 06/GTGT ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài Chính).
  • Bước 6:Làm thủ tục mua, đặt in, tự in hóa đơn theo thông tư 39/2014/TT-BTC hóa đơn chứng từ có hiệu lực từ 01/06/2014. Kể từ ngày 1/9/2014 các doanh nghiệp mới thành lập sẽ được đăng ký phương pháp tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ và được đặt in hóa đơn GTGT sử dụng.
  • Bước 7:Doanh nghiệp bắt buộc dán hoặc treo “hóa đơn mẫu liên 2” tại trụ sở công ty.
  • Bước 8:Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện kinh doanh đối với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện;

 

Từ ngày 01/7/2016, Bộ luật tố tụng dân sự 2015 bắt đầu có hiệu lực, tuy nhiên, phát sinh thêm các vấn đề cần phải lưu ý trong quá trình chuyển tiếp thực hiện.

Dưới đây là lưu ý về việc thi hành:

1.Chỉ có Tòa án nhân dân mới có quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu

Cụ thể, theo Điều 51 Bộ luật lao động 2012 thì Thanh tra lao động, Tòa án nhân dân có quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu thì nay chỉ có Tòa án nhân dân mới có quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu.

2.Bãi bỏ gần như toàn bộ mục 5 quy định về Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công tại Bộ luật lao động 2012

Theo đó, Bộ luật tố tụng dân sự 2015 bãi bỏ toàn bộ mục 5 Chương XIV quy định về Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công, ngoại trừ quy định về Xử lý vi phạm đối với cuộc đình công bất hợp pháp.

3.Có hiệu lực từ 01/7/2016, nhưng các quy định liên quan Bộ luật dân sự 2015 có hiệu lực từ 01/01/2017

Các điều khoản quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự 2015 có quy định liên quan đến Bộ luật dân sự 2015 sẽ được áp dụng từ 01/01/2017, bao gồm:

– Quy định liên quan đến việc Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng và quy định giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng.

– Quy định liên quan đến người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

– Quy định liên quan đến áp dụng thời hiệu sau:

+ Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc.

+ Sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết VADS trong các trường hợp đương sự có yêu cầu áp dụng thời hiệu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ án và thời hiệu khởi kiện đã hết.

+ Quy định liên quan đến pháp nhân là người đại diện, người giám hộ.

4.Các quy định nêu sau tại Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi 2011 tiếp tục có hiệu lực đến hết 31/12/2016

Thứ nhất về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu

– Thời hiệu khởi kiện VADS là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết VADS bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

– Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là thời hạn mà chủ thể được quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền yêu cầu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

– Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được thực hiện theo quy định pháp luật. Trường hợp pháp luật không có quy định về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự thì thực hiện như sau:

+ Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản; tranh chấp về đòi lại tài sản do người khác quản lý, chiếm hữu; tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện.

+ Tranh chấp không thuộc trường hợp trên thì thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là 02 năm, kể từ ngày cá nhân, cơ quan, tổ chức biết được quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

– Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được thực hiện theo quy định pháp luật. Trường hợp pháp luật không có quy định về thời hiệu yêu cầu thì thời hiệu yêu cầu để Tòa án giải quyết việc dân sự là một năm, kể từ ngày phát sinh quyền yêu cầu, trừ các việc dân sự có liên quan đến quyền dân sự về nhân dân của cá nhân thì không áp dụng thời hiệu yêu cầu.”

Thứ hai về đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong trường hợp thời hiệu khởi kiện đã hết

Lưu ý: Các tranh chấp, yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động phát sinh trước 01/01/2017 thì áp dụng quy định thời hiệu nêu trên.

5.Từ ngày 01/7/2016, thi hành Bộ luật tố tụng dân sự 2015 được thực hiện như sau:

– Đối với những vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động đã được Tòa án thụ lý trước 01/7/2016, nhưng từ 01/7/2016 mới giải quyết theo thủ tục sơ thẩm thì áp dụng Bộ luật tố tụng dân sự 2015 để giải quyết.

– Đối với những vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động đã được Tòa án giải quyết theo thủ tục sơ thẩm trước 01/7/2016, nhưng từ 01/7/2016 mới giải quyết theo thủ tục phúc thẩm thì áp dụng Bộ luật tố tụng dân sự 2015 để giải quyết.

– Đối với những bản án, quyết định dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động đã có hiệu lực pháp luật mà bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm trước 01/7/2016 nhưng kể từ 01/7/2016 mới giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm thì áp dụng Bộ luật tố tụng dân sự 2015 để giải quyết.

– Đối với những bản án, quyết định dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động đã có hiệu lực pháp luật trước 01/7/2016 mà kể từ ngày 01/7/2016 người có thẩm quyền kháng nghị mới kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, thì căn cứ để thực hiện việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm và việc giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm được thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

– Đối với những vụ việc hôn nhân và gia đình đã được Tòa án thụ lý giải quyết trước 01/7/2016 thì Tòa án đã thụ lý tiếp tục giải quyết theo thủ tục chung mà không chuyển cho Tòa gia đình và người chưa thành niên giải quyết.

– Khi giải quyết vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, Tòa án tiếp tục áp dụng quy định của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về án phí, lệ phí Tòa án, chi phí tố tụng khác cho đến khi có quy định mới của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đối với VADS, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động được giải quyết theo thủ tục rút gọn thì áp dụng mức án phí thấp hơn so với mức án phí áp dụng đối với vụ án giải quyết theo thủ tục thông thường.

(Căn cứ Điều 516, 517 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 và Điều 1, 2 Nghị quyết 103/2015/QH13)

Câu hỏi:

Từ một số vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra, nhiều người đã đặt ra câu hỏi là phải chăng đang có kẽ hở về mặt luật pháp khiến lái xe muốn đâm chết hẳn nạn nhân để tránh trách nhiệm phải trợ cấp tàn tật cho nạn nhân lâu dài…  Để hạn chế những vụ tai nạn không đáng có vì những hành động thiếu hiểu biết, vô ý thức của người dân, và thậm chí là của cơ quan, đơn vị, theo Luật sư cần có những thay đổi như thế nào về mặt luật pháp?

Người gửi câu hỏi: N.A.H – Hoài Đức – Hà Nội.

rủi ro mua xe

Ảnh minh họa

Luật sư trả lời:

Cám ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Luật Minh Bạch!

Về câu hỏi của bạn, chúng tôi xin được giải đáp như sau:

Với thực tế làm nghề của tôi thì tôi không cho là có trường hợp người “lái xe muốn đâm chết hẳn nạn nhân để tránh trách nhiệm trợ chấp tàn tật cho nạn nhân lâu dài” như một số thông tin mà dư luận hay báo chí đã đưa trong thời gian vừa qua. Tôi đã tìm hiểu và nghiên cứu về tâm lý tội phạm, cũng như tiếp xúc trực tiếp khá nhiều người đã từng gây ra tai nạn nghiêm trọng dẫn đến hậu quả chết người thì mọi người đều phân tích rằng, trong lúc đó, do sự hoảng loạn tâm lý vì gây ra tai nạn nghiêm trọng nên dẫn đến mất kiểm soát về mặt hành vi và thực hiện một số thao tác điều khiển phương tiện giao thông không chuẩn và hậu quả có thể làm nặng hơn tình trạng của người bị nạn, chứ họ hoàn toàn không có ý muốn cố tình gây ra cái chết cho nạn nhân. Bởi với người điều khiển phương tiện giao thông, đặc biệt là những người chuyên làm vận tải thì việc gây ra tai nạn chết người sẽ để lại những hậu quả rất lớn về mặt pháp lý, tài chính cũng như tâm lý của những người chủ xe cũng như lái xe.

Còn về mặt pháp lý thì nếu trường hợp gây tai nạn chết người với lỗi vô ý thì người lái xe chỉ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm quy định tại Điều 202 Bộ luật Hình sự về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Còn trong trường hợp cơ quan điều tra xác định được người điều khiển phương tiện cố tình đâm chết nạn nhân để tránh phải trợ cấp thì rất có thể sẽ bị chuyển tội danh thành tội Giết người với tình tiết tăng nặng là vì động cơ đê hèn và mức hình phạt của hành vi này cao nhất là tử hình.

Tôi thiết nghĩ, để hạn chế và tiến tới ngăn chặn có hiệu quả các hành vi vi phạm nêu trên thì chúng ta phải tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến từng người dân bởi những hành vi vi phạm pháp luật nêu trên thường xuất phát từ sự thiếu hiểu biết pháp luật hoặc nhận biết pháp luật còn hạn chế. Kết hợp với các biện pháp phát thanh trên loa truyền thanh, qua các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan báo chí thì các cơ quan tư pháp có thể thực hiện thông qua hình thức các phiên tòa giả định hay tổ chức các phiên tòa lưu động, xét xử các bị cáo ngay tại địa điểm thường xuyên xảy ra các vụ việc trên để người dân có thể nhận thức sâu hơn về pháp luật, cũng như thấy được hậu quả pháp lý do những hành vi tưởng chừng vô hại của mình gây ra.

Ngoài ra, chúng ta cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra đối với các hoạt động xây dựng dễ gây ra nguy hiểm cho những người xung quanh. Sử dụng các biện pháp buộc các chủ đầu tư, các đơn vị thi công phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp đảm bảo an toàn lao động, an toàn trong thi công công trình. Buộc đơn vị thi công phải tính chi phí về bảo đảm an toàn lao động, an toàn thi công vào dự toán công trình và thành lập các tổ, đội được đào tạo, tập huấn trong vấn đề an toàn lao động để dành riêng cho việc đảm bảo an toàn khi thi công công trình. Trong trường hợp có các vi phạm phát sinh thì phải ngay lập tức phải được xử lý một cách quyết liệt và thích đáng. Trong trường hợp có dấu hiệu của tội phạm thì các cơ quan có thẩm quyền phải nhanh chóng khởi tố vụ án, khởi tố bị can để làm rõ hành vi phạm tội và có các biện pháp xử lý đủ sức răn đe và giáo dục để làm gương cho người khác.

Trân trọng!

Câu hỏi:

Trường hợp người dân bị tai nạn do sự thiếu trách nhiệm của cơ quan, doanh nghiệp, ví dụ như trường hợp đơn vị thi công chậm chễ san lấp, trả lại bề mặt lòng đường như ban đầu và có người bị tai nạn chết hoặc trọng thương khi rơi vào những hố thi công ( hay còn gọi là hố tử thần) đó. Hẳn nhiều người chưa quên vụ việc mấy em nhỏ chết đuối do sa chân vào những hố công trình ngập nước tại một công trường đang xây dựng ở Hà Nội. Vậy theo luật sư, trong trường hợp này, trách nhiệm của các đơn vị có liên quan là như thế nào? nạn nhân có thể khởi kiện, yêu cầu cơ quan sai phạm bồi thường không, thưa luật sư?

Người gửi câu hỏi: N.V.T – Đông Anh – Hà Nội.

3337_hokhavancanjpg

Ảnh minh họa

Luật sư trả lời:

Cám ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Luật Minh Bạch!

Về câu hỏi của bạn, chúng tôi xin được giải đáp như sau:

Những vụ tai nạn trong thời gian qua đây là một thực trạng rất đáng báo động và để lại những hậu quả hết sức đau lòng đối với gia đình người bị hại và toàn xã hội.

Vụ việc cháu Hào (11 tuổi) và cháu Đăng (10 tuổi) ở Vân Nội, Đông Anh, Hà Nội bị chết đuối do sa chân xuống hố công trình cầu Nhật Tân hôm 2/9 vừa qua là hết sức đau lòng nhưng không phải cá biệt.

Trước đây đã có nhiều cái chết tương tự xảy ra do các đơn vị thi công không cắm biển cảnh báo hay dựng rào, căng dây, lắp đèn tín hiệu… để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình và con người. Để xảy ra những cái chết như thế, những người có trách nhiệm đã có dấu hiệu phạm tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 285 Bộ luật hình sự. Sự thiếu trách nhiệm này thể hiện ở chỗ họ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao

Theo Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự, khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án, trong phạm vi quyền hạn của mình, có trách nhiệm khởi tố vụ án và áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để xác định tội phạm và xử lý người phạm tội.

Tuy nhiên trên thực tế từ trước tới nay, gần như chưa có cơ quan nào khởi tố để điều tra, truy tố và xét xử đối với các hành vi thiếu trách nhiệm gây ra những cái chết oan khuất nêu trên.

Trong khi đó, ở phía các đơn vị thi công, chủ đầu tư công trình thì luôn trốn tránh trách nhiệm, đùn đẩy cho nhau xuất phát từ sự vô cảm của các cơ quan tư pháp và cơ quan quản lý trong các vụ việc trên.

Bên cạnh đó, ngoài trách nhiệm hình sự, trách nhiệm hành chính đã bị “ngó lơ” thì ngay đến trách nhiệm dân sự (bồi thường thiệt hại) cũng không được truy tới nơi (thường thì gia đình nạn nhân chỉ nhận được ít tiền gọi là “hỗ trợ” từ đơn vị thi công trong khi đúng ra phải là tiền bồi thường). Trong trường hợp này, về trách nhiệm dân sự thì gia đình nạn nhân có thể khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật của đơn vị thi công, chủ đầu tư gây ra.

Trân trọng!

Câu hỏi:

Hành động ném gạch đá vào ô tô đang lưu thông thực sự là mối nguy hiểm lớn, đe dọa sự an toàn của người điều khiển và cả những người đang cùng tham gia giao thông thời điểm đó. Tuy nhiên, theo tôi được biết hiện nay pháp luật mới có quy định về trách nhiệm của lái xe gây tai nạn mà chưa đề cập đến trách nhiệm của người dân bên đường khi gây nguy hiểm cho người đang điều khiển phương tiện. Ý kiến của luật sư về vấn đề này?

Người gửi câu hỏi: Bác A – Long Biên Hà Nội.

csgt

Ảnh minh họa

Luật sư trả lời:

Cám ơn bác đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Luật Minh Bạch!

Về câu hỏi của bác, chúng tôi xin được giải đáp như sau:

Khi người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm các quy định về phương tiện giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ phạm vào tội phạm được quy định tại Điều 202 Bộ luật Hình sự, trong trường hợp hành vi vi phạm chưa đến mức bị xử lý hình sự thì sẽ bị xử lý về vi phạm hành chính với các quy định tương ứng trong Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản có liên quan. Tức là hành vi này luôn được cụ thể hóa thành các điều luật rất dễ nhận thấy.

Còn đối với hành vi ném gạch đá hoặc các vật nguy hiểm khác gây thiệt hại cho các phương tiện khi đang tham gia giao thông thì không có điều luật nào về Hình sự hay xử lý vi phạm hành chính có tên cụ thể đến từng hành vi như vậy. Nhưng nói vậy không có nghĩa là những hành vi đó không được điều chỉnh bởi pháp luật Hình sự hay không bị xử lý vi phạm hành chính.

Lấy ví dụ đơn cử như hành vi ném đá vào xe ô tô gây vỡ kính xe và thiệt hại được xác định là 5 triệu đồng. Vậy người gây ra hành vi trên sẽ bị xử lý về tội Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 143 Bộ luật Hình sự. Cụ thể:

“1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ Hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ  sáu tháng đến ba năm.

Và trong trường hợp nếu hành vi đó gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng hoặc thiệt hại về tài sản lên tới 500 triệu đồng thì mức án cao nhất mà người phạm tội phải đối mặt là chung thân. Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.

Còn trong trường hợp hành vi gây thiệt hại không đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì người thực hiện hành vi sẽ bị xử lý theo các biện pháp hành chính được quy định trong Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 với các điều luật tương ứng.

Trân trọng!

Câu hỏi:

Vụ việc chiếc xe tải BKS 29Y- 1740 do Nguyễn Minh Tuấn (SN 1979, ở Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội) điều khiển,,chở theo một tức chứa chất lỏng được xác định là axit trên đường bỏ chạy, không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát giao thông đã làm văng dung dịch axit ra ngoài, gây bỏng cho hàng chục người đang tham gia giao thông ngày 9/6 tại ngã tư Trâu Quỳ- quốc lộ 5 thuộc địa phận huyện  thêm một lần nữa là tiếng chuông cảnh báo những nguy cơ tai nạn bất ngờ mà mọi người có thể gặp phải do sự vô ý, thiếu trách nhiệm của những người khác. Thưa luật sư, với hành vi đó thì người lái xe có thể bị truy cứu theo những tội danh gì ? anh ta có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự không hay chỉ bị xử lý hành chính về lỗi khi điều khiển phương tiện giao thông cơ giới?

Người gửi câu hỏi: Bác Y – Gia Lâm Hà Nội.

rủi ro mua xe

Ảnh minh họa(internet)

Luật sư trả lời:

Cám ơn bác đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Luật Minh Bạch!

Về câu hỏi của bác, chúng tôi xin được giải đáp như sau:

Trong trường hợp này, người điều kiển xe tải đã biết mình đang trở trên xe loại dung dịch nguy hiểm là axit, có thể gây thiệt hại cho sức khỏe, tính mạng của người khác và theo quy định của pháp luật thì ô tô tải là một nguồn nguy hiểm cao độ, có thể gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe đối với nhiều người. Và trên thực tế thì axit trên xe đã bị dò rỉ, đã có người bị bỏng do sự dò rỉ này và đã cảnh báo đối với lái xe, cùng với đó là lực lượng CSGT đã ra hiệu lệnh dừng xe để ngăn chặn hành vi tiếp tục gây thiệt hại. Tuy nhiên, người điều khiển phương tiện đã bất chấp mọi lời cảnh báo và hiệu lệnh của CSGT để điều khiển “nguồn nguy hiểm cao độ” chở theo những thùng chứa dung dịch axit rất nguy hiểm, chạy trên một đoạn đường tới 10 km và hậu quả là đã xâm phạm đến sức khỏe của hàng chục người.

Điều này thể hiện người điều khiển phương tiện giao thông “đã nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xẩy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra”. Vậy, theo quan điểm của tôi thì trong trường hợp này người lái xe đã có lỗi cố ý gián tiếp đối với hành vi và hậu quả xảy ra.

Như vậy, nếu căn cứ vào yếu tố lỗi này, xem xét trong mối quan hệ với hậu quả mà hành vi này gây ra, trong trường hợp cơ quan điều tra chứng minh được hành vi trên thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm thì rất có thể người điều khiển chiếc xe tải trên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong số các tội như: Tội vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ theo Điều 202 Bộ luật Hình sự Việt Nam. Trong trường hợp hành vi trên thỏa mãn các dấu hiệu của Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe của người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 104 Bộ luật Hình sự Việt Nam. Thậm chí trong trường hợp hậu quả của hành vi trên dẫn đến chết người thì người điều khiển phương tiện còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội giết người theo Điều 93 Bộ luật Hình sự.

Với quan điểm của tôi thì vụ việc trên sẽ không chỉ dừng lại ở việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ như các hành vi vi phạm giao thông khác bởi mức độ vi phạm, yếu tố lỗi của người điều khiển phương tiện giao thông và hậu quả đã xảy ra.

Trân trọng!

Bài viết mới nhất

video tư vấn

dịch vụ tiêu biểu

Bài viết xem nhiều

dịch vụ nổi bật