Hiện nay ở Hà Nội, cùng với phát triển đô thị thì các tòa nhà, căn hộ chung cư mọc lên như nấm sau mưa. Tuy nhiên ở có rất nhiều trường hợp các chủ đầu tư đã không quan tâm tới vấn đề phòng cháy chữa cháy ở các tòa nhà này. Khi có rủi ro xảy ra thì thì hậu quả là vô cùng nghiêm trọng, thiệt hại lớn cả về người và tài sản.
Vậy dưới góc độ pháp lý, Luật sư có bình luận gì về vấn đề trên, trách nhiệm khi xảy ra rủi ro sẽ do ai gánh chịu và chế tài xử lý về việc này là như thế nào?
Ảnh mình họa (internet)
Luật sư trả lời:
Hành vi bàn giao căn hộ chung cư cho cư dân vào ở khi chưa tổ chức nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy là rất sự coi thường tính mạng, sức khỏe và tài sản của khách hàng (người mua nhà). Bởi việc này có thể gây ra những hậu quả khôn lường, những thiệt hại vô cùng lớn trong trường hợp xảy ra sự kiện cháy, nổ. Trong thực tế, sự nguy hiểm này cũng đã được chứng minh bằng liên tiếp các vụ cháy, nổ liên quan đến nhà chung cư khi chưa đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy nhưng đã tổ chức bàn giao cho cư dân về ở trong thời gian vừa qua.
Với quan điểm cá nhân, tôi cho rằng có lẽ do mức phạt quá nhẹ đã dẫn đến sự “nhờn luật” của các đơn vị kinh doanh nhà ở. Theo quy định của pháp luật hiện tại, với hành vi “đưa nhà, công trình vào hoạt động, sử dụng khi chưa tổ chức nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy” chỉ bị phạt tối đa là 50 triệu đồng và hình thức xử phạt bổ sung là “buộc tổ chức để cơ quan quản lý nhà nước nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy” (khoản 6 và điểm b khoản 7 Điều 36 Nghị định số: 167/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Phòng, chống tệ nạn xã hội; Phòng cháy và chữa cháy; Phòng, chống bạo lực gia đình). Tuy nhiên, thời hạn để “buộc tổ chức để cơ quan quản lý nhà nước nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy” này lại chưa được pháp luật quy định một cách cụ thể.
Còn khi xảy ra thiệt hại nghiêm trọng về người hoặc tài sản do vi phạm về phòng cháy, chữa cháy thì những đối tượng liên quan có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy” theo Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 1999. Người phạm tội có thể phải đối diện với mức án cao nhất là 12 năm. Ngoài ra, Điều 240 Bộ luật Hình sự còn quy định, “phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm”. Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể “bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”. Tuy nhiên, trong trường hợp đã bị xử lý hình sự về tội này thì thường hậu quả đã là rất lớn và rất khó khắc phục.
Dưới góc độ quản lý nhà nước về PCCC, tôi cho rằng, để xảy ra tình trạng nêu trên, một phần có lẽ cũng xuất phát từ cơ quan quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy trong công tác quản lý của mình đối với các công trình này. Rõ ràng đã có sự nương nhẹ, bỏ qua hoặc không quyết liệt trong việc buộc các chủ công trình này phải hoàn thiện hệ thống phòng cháy, chữa cháy và được cấp giấy chứng nhận thẩm duyệt rồi mới được đưa vào sử dụng. Bởi đây là các tòa nhà chung cư, có số lượng dân đến ở là rất đông chứ không phải là dạng nhà ở nhỏ lẻ để có thể cho dân vào “ở chui” được.
Vậy, trách nhiệm kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng đến đâu? Hay chỉ dừng lại ở việc “công bố danh sách” các công trình vi phạm về điều kiện PCCC và tiếp tục phó mặc sự an toàn, tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân vào các chủ đầu tư chỉ biết bán nhà kiếm lời? Đây thực sự là vấn đề cần phải được quan tâm, làm rõ và xác định trách nhiệm đến từng cá nhân, tập thể có liên quan.
Người thực hiện: Luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty luật Minh Bạch – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội).