Hotline tư vấn: 0243 999 0601
Tư vấn qua email: info@luatminhbach.vn

Luật sư Nguyễn Văn Hân

Đối với những trường hợp nào thì phải chịu trách nhiệm hình sự trong việc vay tiền giữa cá nhân với cá nhân?

Người vay sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu việc vay mượn có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Theo đó, về chủ thể của tội phạm, người nào trên 16 tuổi, có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự vay tiền nhằm mục đích lừa đảo (Điều 174) hoặc làm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175) thì sẽ bị xử lý hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015.

  1. Đối với trường hợp phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, yếu tố đầu tiên của tội phạm này về số tiền, số tiền tối thiểu là 2.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị phạt hành chính, kết án về tội này hoặc hành vi này ảnh hưởng nghiêm trọng đến người bị hại, ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Yếu tố thứ hai là có hành vi gian dối trong việc thực hiện quan hệ vay mượn và gian dối là điều kiện và thủ đoạn để thực hiện hành vi này. Thủ đoạn gian dối có thể thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào như lời nói, hành động, giấy tờ giả mạo, không đúng sự thật nhằm tạo lòng tin của người cho vay để từ đó họ giao tài sản cho người phạm tội.

Hành vi này có thể bị xử lý hình sự với khung hình phạt từ 06 tháng cho đến tù chung thân tùy vào mức độ, tính chất nghiêm trọng của hành vi vi phạm.

  1. Đối trường hợp lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, về số tiền tối thiểu là 4.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị phạt hành chính, kết án về tội này hoặc hành vi này ảnh hưởng nghiêm trọng đến người bị hại, ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Hành vi chiếm đoạt ở đây là những hành vi không thực hiện đúng cam kết. Những hành vi đó là: Không trả lại tài sản bằng thủ đoạn bỏ trốn hoặc bằng thủ đoạn gian dối (như giả tạo bị mất, đánh tráo tài sản, rút bớt tài sản…); Không trả lại tài sản do không có khả năng vì đã sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp (như dùng vào việc buôn lậu, buôn bán hành cấm hay đánh bạc…

Hành vi bao gồm các giai đoạn: Người phạm tội có được tài sản một cách hợp pháp thông qua hợp đồng vay, mượn, thuê tài sản hoặc hợp đồng khác. Sau khi có được tài sản, người phạm tội không thực hiện như cam kết trong hợp đồng, sử dụng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản.

Hoặc thậm chí người vay mượn đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả.

Hành vi này có thể bị xử lý hình sự với khung hình phạt từ 06 tháng cho đến 20 năm tù tùy vào mức độ, tính chất nghiêm trọng của hành vi vi phạm.

Nếu việc vay mượn không có một trong những yếu tố nêu trên thì người vay không phải chịu trách nhiệm hình sự.

____________________________________________________________________________________________

Trên đây là quan điểm của Luật Minh Bạch về vấn đề trên, bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, để được hỗ trợ và tư vấn cụ thể hơn, quý bạn đọc vui lòng liên hệ trực tiếp:

Công ty Luật Minh Bạch

Địa chỉ: Phòng 703, số 272 Khương Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội

Hotline: 1900.6232

Email: luatsu@luatminhbach.vn

Trân trọng !

Cho vay mà không có giấy tờ thì rủi ro là rất lớn và kèm theo đó là không có căn cứ vững chắc để có thể yêu cầu Tòa án thụ lý, giải quyết. Tuy nhiên đối chiếu với quy định của pháp luật thì dù không có hợp đồng, giấy tờ cho vay thì người cho vay vẫn có thể còn những căn cứ khác để thu hồi khoản nợ xấu này.

Trong những tranh chấp dân sự thì vấn đề quan trọng nhất đó là những chứng cứ và khả năng chứng minh của các đương sự, đó là những vấn đề có tính chất quyết định.

Tại Điều 94 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau đây:

Chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau đây:

  1. Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử.
  2. Vật chứng.
  3. Lời khai của đương sự.
  4. Lời khai của người làm chứng.
  5. Kết luận giám định.
  6. Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ.
  7. Kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản.
  8. Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập.

Theo đó, người khởi kiện cần phải xem mình còn những chứng cứ khác nào thể hiện mối quan hệ cho vay là có thật thông qua những tin nhắn điện thoại, email, Facebook hay Zalo. Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản. Nó sẽ là một trong những chứng quan trọng để Tòa án thụ lý, giải quyết.

Nếu trong trường hợp không có thì người khởi kiện có thể tạo bằng chứng từ những gì đã xảy ra để chứng minh được người đó đã vay tiền của. Ví dụ như:

+ Nhờ người làm chứng

+ Dàn xếp 1 buổi gặp có ghi âm lại

+ Gửi email hay tin nhắn để xác nhận là người đó đã có vay

+ Nếu được thì yêu cầu người vay viết giấy nợ và hẹn ngày trả

Ví dụ: sẽ có trường hợp người vay không chịu nhận thì người có vay có thể giả vờ nói sai số tiền vay. Người đó chỉ mượn bạn 500.000 đồng nhưng người cho vay nói khống lên thành một hay hai triệu, vì muốn thanh minh thì người vay sẽ gửi lại tin nhắn là mượn 500.000 đồng. Như vậy có thể tạo được một bằng chứng có lợi để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện.

Đồng thời để có giá trị chứng minh tốt nhất khi giải quyết tại Tòa án thì những chứng cứ có được nên nhờ Thừa phát lại lập vi bằng để ghi nhận những nội dung tin nhắn trong điện thoại và email để làm bằng chứng.

Sau đó khi đã có đầy đủ bằng chứng chứng minh người vay tiền đã vi phạm nghĩa vụ trả tiền thì người khởi kiện có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết buộc người vay tiền phải có nghĩa vụ trả tiền vay.

____________________________________________________________________________________________

Trên đây là quan điểm của Luật Minh Bạch về vấn đề trên, bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, để được hỗ trợ và tư vấn cụ thể hơn, quý bạn đọc vui lòng liên hệ trực tiếp:

Công ty Luật Minh Bạch

Địa chỉ: Phòng 703, số 272 Khương Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội

Hotline: 1900.6232

Email: luatsu@luatminhbach.vn

Trân trọng !

#Thưa Luật sư, việc vay tiền giữa cá nhân với cá nhân, đặc biệt là những người thân thích, ruột thịt trong gia đình là việc tưởng chừng rất đơn giản nhưng lại rất phức tạp nếu có vấn đề gì đó xảy ra. Vậy theo quy định của pháp luật thì việc vay mượn tiền, tài sản giữa cá nhân với cá nhân thì phải có những giấy tờ gì?

Quan hệ vay mượn giữa cá nhân với cá nhân (Ảnh minh họa)

Quan hệ vay mượn là một giao dịch dân sự dựa trên thỏa thuận của các bên, trong đó bên cho vay giao tài sản của mình, có thể là tiền, bất động sản, xe cộ cho bên vay. Các bên trong quan hệ này các bên sẽ xác lập một khoảng thời gian cho vay mượn nhất định, khi hết thời hạn, bên vay sẽ phải trao trả lại tài sản đúng số lượng, chủng loại tài sản đã vay và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật quy định.

Việc cho vay giữa cá nhân với cá nhân, đặc biệt là những người trong gia đình, người thân, người quen cũng giống như việc cho vay giữa ngân hàng với cá nhân, tổ chức, về bản chất đều là quan hệ vay mượn, có vay có trả. Điểm khác biệt lớn nhất là cá nhân với cá nhân đặt tình cảm vào quan hệ vay mượn này còn ngân hàng thì không. Chính vì đặt cảm xúc, sự tin tưởng vào quan hệ vay mượn giữa cá nhân với nhau, các bên bỏ qua những quy trình, thủ tục, giấy tờ cần thiết giống như cách mà ngân hàng vẫn làm khiến cho việc tranh chấp sau khi vay trở nên phức tạp, khó giải quyết.

Theo quy định của pháp luật về hình thức của giao dịch dân sự, Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

Điều 119. Hình thức giao dịch dân sự

1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.

Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.

2. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.”

Giao dịch dân sự có thể được thể hiện bằng lời nói, thậm chí là hành vi cụ thể, chỉ những giao dịch liên quan đến đất đai, về xe cộ thì mới cần phải thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực hoặc đăng ký theo quy định. Như vậy, việc vay mượn tài sản là tiền thì có thể thực hiện không cần giấy tờ mà các bên chỉ cần thể hiện hành vi, lời nói thì cũng được công nhận.

Tuy nhiên việc cho vay bằng lời nói, hành vi tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý. Tòa án chỉ đồng ý thụ lý, giải quyết và đưa ra phán quyết hợp tình, hợp lý trên xem xét, đánh giá chứng cứ. Theo đó, nếu chỉ giao kết bằng lời nói mà đối phương không thừa nhận, thì cũng rất khó để phân định đúng sai khi đưa ra pháp luật.

Vì vậy, dể loại trừ những rủi ro có thể xảy ra tranh chấp khi các bên tiến hành xác lập loại giao dịch dân sự này, thì hơn cả các bên vẫn cần giao kết bằng văn bản. Điều đầu tiên, trước khi xác lập hợp đồng, giấy cho vay, các bên cần xác định về năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự của chủ thể để xác định tính phù hợp với giao dịch dân sự để đảm bảo hợp đồng, giấy cho vay có hiệu lực pháp luật.

Thứ hai, đề nghị cung cấp căn cước công dân, sổ hộ khẩu bản sao chứng thực. Đây là giấy tờ để xác định đối tượng về chủ thể trong giao dịch này và thẩm quyền giải quyết nếu có xảy ra tranh chấp. Tài liệu này cũng là giấy tờ cần thiết trong bộ hồ sơ khởi kiện hay tố giác khi bên cho vay tiến hành những phương án giải quyết tranh chấp này. Vì vậy, khi tiến hành cho vay, cả bên vay lẫn bên cho vay đều cần thiết phải yêu cầu loại giấy tờ này.

Thứ ba, giấy tờ vay mượn, hợp đồng vay mượn. Mặc dù pháp luật không quy định bắt buộc giao dịch cho vay phải được lập thành văn bản mà có thể giao kết bằng miệng, tuy nhiên, việc xác lập hợp đồng vay mượn bằng văn bản là cần thiết, chắc chắn và rõ ràng hơn rất nhiều, nếu cẩn thận hơn, có thể xác lập hợp đồng cho vay, giấy vay mượn tại văn phòng công chứng hoặc UBND cấp xã để chứng thực chữ ký của các bên.

Thứ tư, những giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản (nếu có) để xác minh tài sản vay mượn là hợp pháp, chính chủ, tránh xảy ra tranh chấp đối với bên thứ ba.

Thứ năm, biên bản giao nhận tài sản, để làm căn cứ chứng minh việc vay mượn này đã được thực hiện.

____________________________________________________________________________________________

Trên đây là quan điểm của Luật Minh Bạch về vấn đề trên, bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, để được hỗ trợ và tư vấn cụ thể hơn, quý bạn đọc vui lòng liên hệ trực tiếp:

Công ty Luật Minh Bạch

Địa chỉ: Phòng 703, số 272 Khương Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội

Hotline: 1900.6232

Email: luatsu@luatminhbach.vn

Trân trọng !

1. Ly hôn đơn phương là gì?

Ly hôn là chấm dứt quan hệ hôn nhân do Tòa án quyết định theo yêu cầu của vợ hoặc của chồng hoặc cả hai vợ chồng, hủy bỏ các trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm của hôn nhân và các ràng buộc dân sự khác.

Nếu hai bên vợ chồng thuận tình ly hôn thỏa thuận với nhau giải quyết được tất cả các nội dung quan hệ vợ chồng khi ly hôn thì toà án công nhận ra phán quyết dưới hình thức là quyết định.

Nếu vợ chồng có mâu thuẫn, tranh chấp thì Tòa án ra phán quyết dưới dạng bản án ly hôn. Tranh chấp có thể đến từ việc một trong hai bên không đồng ý ly hôn hoặc tranh chấp về tài sản hay tranh chấp quyền nuôi con.

Ly hôn đơn phương là việc ly hôn theo yêu cầu của một bên (có thể từ vợ hoặc chồng) do cuộc sống hôn nhân không mong muốn, cả hai không thể chung sống hạnh phúc cùng nhau nữa.

2. Căn cứ để ly hôn đơn phương?

Việc ly hôn đơn phương chỉ có thể được pháp luật xem xét, giải quyết nếu có căn cứ chứng minh được cuộc hôn nhân đang lâm vào tình trạng nêu trên.

Tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được có thể hiểu là:

– Vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau, người nào chỉ biết bổn phận của người đó, bỏ mặc người vợ hoặc người chồng muốn sống ra sao thì sống; hoặc

– Vợ, chồng có hành vi ngược đãi, hành hạ nhau, thường xuyên đánh đập hoặc có hành vi khác xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của nhau; hoặc

– Vợ chồng không chung thủy với nhau như có quan hệ ngoại tình.

Để có cơ sở nhận định đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài sẽ căn cứ vào tình trạng hiện tại của vợ chồng đã đến mức được coi là trầm trọng hay không. Trong trường hợp thực tế cho thấy đã được nhắc nhở, hòa giải nhiều lần nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình hoặc vẫn tiếp tục sống ly thân, bỏ mặc nhau hoặc vẫn tiếp tục có hành vi ngược đãi hành hạ, xúc phạm nhau thì có căn cứ để nhận định rằng đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được.

Mục đích hôn nhân không đạt được sẽ có thể hiểu đơn giản là vợ chồng không còn tình nghĩa; không bình đẳng về nghĩa vụ và quyền lợi; không tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của nhau; không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhau hoặc không giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau phát triển về mọi mặt.

3. Cơ quan Nhà nước nào có thẩm quyền giải quyết vụ án ly hôn đơn phương?

Tòa án nhân dân cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Tòa án nhân dân cấp huyện) nơi bị đơn cư trú sẽ có thẩm quyền giải quyết vụ án ly hôn đơn phương.

Bị đơn được hiểu đơn giản là người không có yêu cầu ly hôn đơn phương.

Nơi cư trú sẽ căn cứ dựa trên địa chỉ được thể hiện trong sổ hộ khẩu của bị đơn.

Việc xác định Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết là một yếu tố quan trọng, dù căn cứ ly hôn đơn phương hoặc hồ sơ ly hôn đơn phương có đầy đủ và thuyết phục nhưng nếu xác định không đúng thẩm quyền, Tòa án sẽ không giải quyết yêu cầu ly hôn đơn phương.

4. Hồ sơ ly hôn đơn phương?

Sau khi đã có đủ căn cứ chứng minh như đã nêu tại phần 2 và đã xác định được cơ quan giải quyết, người có yêu cầu ly hôn đơn phương cần chuẩn bị hồ sơ bao gồm những tài liệu sau đây:

– Đơn xin ly hôn;

– Bản sao Giấy CMND/CCCD/Hộ chiếu; Sổ hộ khẩu (có công chứng bản chính);

– Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (nếu có), trong trường hợp mất bản chính giấy chứng nhận kết hôn thì nộp bản sao có xác nhận sao y bản chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, nhưng phải trình bày rõ trong đơn kiện;

– Bản sao giấy khai sinh con (nếu có);

– Bản sao chứng từ, tài liệu về quyền sở hữu tài sản (nếu có);

Trong hồ sơ ly hôn đơn phương, đơn xin ly hôn, CMND và Sổ hộ khẩu là tài liệu bắt buộc phải có để Tòa án có cơ sở thụ lý, giải quyết vụ việc. Giấy khai sinh của con và các chứng từ, tài liệu về quyền sở hữu tài sản là những giấy tờ, tài liệu giúp chứng minh rõ nét yêu cầu ly hôn đơn phương và để Tòa án có căn cứ giải quyết những vấn đề có liên quan đến tranh chấp quyền nuôi con hoặc tranh chấp về tài sản, nếu hai bên đã tự thỏa thuận được về những vấn đề này và không có yêu cầu về việc giải quyết tranh chấp thì tài liệu này có thể có hoặc không.

5. Trình tự, thủ tục khi Tòa án giải quyết một vụ án ly hôn đơn phương ra sao?

Yêu cầu ly hôn đơn phương sẽ được Tòa án thụ lý, giải quyết theo trình tự tố tụng dân sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.

Theo đó, người có yêu cầu ly hôn đơn phương có thể nộp hồ sơ ly hôn đơn phương trực tiếp tại Tòa án có thẩm quyền hoặc gửi bộ hồ sơ này qua đường bưu điện.

Người nộp đơn cần lưu ý về việc yêu cầu Tòa án có giấy biên nhận hồ sơ (trong trường hợp nộp trực tiếp) hoặc phiếu báo phát (trường hợp gửi hồ sơ qua đường bưu điện) để làm căn cứ kiến nghị Tòa án giải quyết hồ sơ đúng thời hạn luật định (trong trường hợp Tòa án chậm giải quyết).

5.1. Xem xét hồ sơ ly hôn đơn phương

Trong thời hạn 05 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ, Tòa án sẽ tiến hành xem xét những tài liệu, chứng cứ, nếu xét thấy đúng thẩm quyền, Tòa án sẽ tiến thông báo cho người có yêu cầu ly hôn đơn phương bằng văn bản.

5.2. Thông báo nộp tiền tạm ứng án phí

Thông báo bằng văn bản được gửi đến người có yêu cầu ly hôn đơn phương là thông báo nộp tiền tạm ứng án phí, trong đó sẽ ghi rõ số tiền tạm ứng án phí mà người có yêu cầu khởi kiện phải nộp. Mức tạm ứng án phí để Tòa án thụ lý vụ án ly hôn hiện nay là 300.000 đồng. Trong trường hợp yêu cầu ly hôn đơn phương có đề nghị giải quyết tranh chấp tài sản chung vợ chồng thì số tiền tạm ứng án phí sẽ tính theo % căn cứ trên giá trị tài sản mà các bên tranh chấp. Giá trị tài sản tranh chấp càng nhiều thì số tiền tạm ứng án phí càng cao.

Quy định về việc nộp tiền tạm ứng án phí này nhằm mục đích khuyến khích tinh thần thỏa thuận của các bên trong ly hôn.

Khi nhận được thông báo này, người có yêu cầu ly hôn đơn phương bắt buộc phải nộp tiền tạm ứng án phí tại cơ quan thi hành án cấp có thẩm quyền trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được thông báo. Gọi là bắt buộc bởi việc nộp tiền tạm ứng án phí hết sức quan trọng, quyết định đến việc ly hôn đơn phương có được giải quyết hay không, nếu không nộp số tiền tạm ứng án phí này theo đúng thời hạn thì Tòa án sẽ ra quyết định tạm đình chỉ vụ án dẫn đến việc vụ án sẽ không được xem xét, giải quyết.

5.3. Thụ lý vụ án và chuẩn bị xét xử

Sau khi người có yêu cầu ly hôn đơn phương nộp tiền tạm ứng án phí đúng theo quy định, Tòa án sẽ thụ lý vụ án để xem xét, giải quyết, ra thông báo về việc thụ lý vụ án và tiến hành các công tác chuẩn bị xét xử.

Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Toà án tiến hành hoà giải để các đương sự thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án. Việc hoà giải được tiến hành theo các nguyên tắc tôn trọng sự tự nguyện thoả thuận của các đương sự, không được dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực, bắt buộc các đương sự phải thoả thuận không phù hợp với ý chí của mình; Nội dung thoả thuận giữa các đương sự không được trái pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội.

Trường hợp trong phiên hòa giải, các bên hòa giải được đoàn tụ thì tòa án tiến hành lập biên bản hòa giải thành, trong vòng 7 ngày mà không có tranh chấp gì thì Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các được sự.

Nếu trong phiên hòa giải, các bên vẫn có tranh chấp hoặc mâu thuẫn thì Tòa án sẽ ra quyết định mở phiên tòa xét xử.

Trong thời hạn chuẩn bị xét xử, Tòa án sẽ tiến hành áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, thu thập chứng cứ nếu xét thấy cần thiết hoặc nếu có yêu cầu của đương sự.

Thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án dân sự là 4 tháng kể từ ngày thụ lý, trường hợp có trở ngại khách quan hoặc tình tiết phức tạp thì được gia hạn tối đa không quá 2 tháng.

Trong thời hạn 1 tháng kể từ ngày ra quyết định đưa vụ án ra xét xử thì Tòa án phải mở phiên tòa, trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là hai tháng.

Có thể thấy từ thời điểm nộp hồ sơ, thụ lý vụ án đến thời điểm mở phiên tòa để giải quyết vụ án theo luật định có thể lên đến 8 tháng, tuy nhiên thực tế có những vụ án còn lâu hơn thế rất nhiều, thậm chí hàng năm trời vụ án cũng chưa được thụ lý, giải quyết. Không chỉ trong ly hôn mà trình tự, thủ tục nêu trên cũng được áp dụng đối với các vụ án dân sự ở nhiều lĩnh vực khác.

Vì vậy, mỗi người cần thiết phải trang bị cho mình những kiến thức pháp lý cơ bản để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính mình nếu trường hợp chẳng may mình trở thành diễn viên chính trong một bộ phim buồn như thế này.

____________________________________________________________________________________________

Trên đây là quan điểm của Luật Minh Bạch về vấn đề trên, bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, để được hỗ trợ và tư vấn cụ thể hơn, quý bạn đọc vui lòng liên hệ trực tiếp:

Công ty Luật Minh Bạch

Địa chỉ: Phòng 703, số 272 Khương Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội

Hotline: 1900.6232

Email: luatsu@luatminhbach.vn

Trân trọng !

Tính đến buổi chiều ngày 31/03/2020, số người dương tính với dịch bệnh Covid tại Việt Nam đã lên đến con số trên 200 người. Có thể thấy số người nhiễm bệnh vẫn tăng theo theo từng ngày và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Vì vậy, ngay trong ngày 31/03/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách nhằm phòng, chống dịch Covid 19. Qua đó, chỉ đạo hạn chế di chuyển, cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ ngày 01/04/2020.

Đây là Chỉ thị thứ 07 của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam liên quan đến việc chỉ đạo các biện pháp phòng, chống nhằm đẩy lùi dịch bệnh Covid 19 kể từ ngày 28/01/2020. Các chỉ thị trước đó đã được ban hành bao gồm:

– Ngày 28/1/2020, Chỉ thị số 05/CT-TTg về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona gây ra;

– Ngày 31/01/2020, Chỉ thị số 06/CT-TTg về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống trước các diễn biến phức tạp mới của dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona gây ra;

– Ngày 25/02/2020, Chỉ thị 10/CT-TTg về việc đẩy mạnh phòng, chống dịch Covid 19;

– Ngày 04/03/2020, Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn của sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid 19;

– Ngày 11/03/2020, Chỉ thị số 13/CT-TTg về việc tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống dịch Covid 19 trong tình hình mới;

– Ngày 27/03/2020, Chỉ thị số 15/CT-TTg về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid 19;

Theo quy định, những chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ không phải là văn bản quy phạm pháp luật mà là văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo nhiệm vụ của Chính phủ đã được quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, “Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm trong phạm vi cả nước”.

Việc liên tục ban hành những chỉ đạo sát sao, khẩn trương của Chính phủ và các Bộ ban ngành cho thấy sự quyết liệt, quyết tâm của họ trong việc đẩy lùi dịch bệnh truyền nhiễm Covid 19 lớn đến mức nào.

Cũng căn cứ theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 và các văn bản hướng dẫn thi hành, đối với dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A như Covid 19, chỉ cần có ít nhất một trường hợp người bệnh được chẩn đoán xác định dương tính là đã đủ điều kiện để Bộ Y tế công bố dịch. Trong trường hợp dịch lây lan nhanh từ tỉnh này sang tỉnh khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người thì Bộ Y tế sẽ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công bố dịch.

Theo thông tin mới nhất, trưa ngày 01/04/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức ký Quyết định số 447/QĐ-TTg về việc công bố dịch COVID-19 trên toàn quốc theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế tại Tờ trình số 525/TTr-BYT ngày 31/03/2020.

Tại điều 01 của Quyết định này nêu rõ tên gọi của dịch bệnh, thời gian, địa điểm, nguyên nhân xảy ra dịch bệnh; tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch bệnh cũng như các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của pháp luật.

Việc đưa ra quyết định công bố dịch cũng là hành động cụ thể hóa Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng mới ban hành ngay ngày 31/03/2020, có hiệu lực kể từ 00 giờ ngày 01/04/2020 về chỉ đạo cách ly toàn xã hội trong thời gian 15 ngày.

Quyết định được đưa ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19 đang diễn biến hết sức phức tạp, việc kiểm soát dịch bệnh trở nên khó khăn cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh tới đời sống kinh tế, xã hội và sức khỏe con người.

Ngoài ra, hành động trên cũng cho thấy sự khẩn trương, nghiêm túc và nỗ lực của Chính phủ trong việc đẩy lùi dịch bệnh Covid 19, nhằm đưa nền kinh tế đất nước quay trở lại quỹ đạo phát triển vốn có, giúp người dân quay trở lại cuộc sống bình thường trong thời gian sớm nhất.

Theo như phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid 19 thì ông đề nghị các Bộ ban ngành cũng như người dân phải kỷ luật, quyết liệt hơn nữa trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống đẩy lùi dịch bệnh và phải quyết tâm để không có đến 1.000 ca nhiễm Covid 19 ở Việt Nam.

Nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp theo chiều hướng xấu, thì khả năng cao trong thời gian sắp tới, Thủ tướng Chính phủ sẽ đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội ra nghị quyết ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về dịch bệnh giống như Mỹ, Italy, Thái Lan, Indonesia và các nước chịu ảnh hưởng nặng nề khác.

Nếu trường hợp này xảy ra, có thể Chính phủ và các Bộ ban ngành sẽ có thể đưa ra các biện pháp cứng rắn, mạnh mẽ hơn trong việc phòng, chống dịch bệnh. Điều này sẽ vô tình khiến cuộc sống của người dân có thể chịu ảnh hưởng và chịu nhiều bất tiện hơn.

Trong giai đoạn cao điểm tòa quốc chống dịch này, các cá nhân, cơ sở kinh doanh dịch vụ có vi phạm quy định về phòng, chống dịch, không thực hiện đúng chỉ đạo gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Cụ thể:

Về xử phạt vi phạm hành chính

Với cơ sở kinh doanh:

– Vẫn tiến hành hoạt động khi đã có quyết định đình chỉ kinh doanh. Mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng – 10.000.000 đồng.

– Tăng giá bán khẩu trang, nước rửa tay: Mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng – 30.000.000 đồng, đồng thời buộc nộp ngân sách nhà nước phần thu lợi bất chính. Căn cứ pháp lý: Điểu 17 Nghị định 109/2013.

Với cá nhân:

– Hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền từ 100.000 đồng – 300.000 đồng. Không đeo khẩu trang dù là quên, vô ý hay vì bất kỳ lý do nào khác thì pháp luật bắt buộc phải biết và chấp hành giống như khi tham gia giao thông vậy. Căn cứ pháp lý: Điểm a, khoản 1, Điều 11 Nghị định 176/2013.

– Hành vi không khai báo, khai báo gian dối bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng – 2.000.000 đồng. Căn cứ pháp lý: Điểm a, khoản 2, Điều 11 Nghị định 176/2013.

– Hành vi trốn khỏi khu cách ly: Xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền 2.000.000 đồng – 10.000.000 đồng, đồng thời bị cưỡng chế bắt quay trở lại khu cách ly. Căn cứ pháp lý: Điểm b, khoản 1, điểm b, khoản 2 Điều 10 Nghị định 176/2013.

– Hành vi cố ý tập trung nơi đông người: Xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền 20.000.000 đồng – 30.000.000 đồng. Căn cứ pháp lý: Điểm b, khoản 6, Điều 11 Nghị định 176/2013.

Xử lý hình sự

Đối với những hành vi nếu gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tính mạng và thiệt hại lớn về tài sản có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015.

Một số hành vi thường gặp có thể bị xử lý hình sự như:

– Chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ (Như bar, kara, mát xa, thẩm mỹ,…) thực hiện hoạt động kinh doanh khi đã có quyết định tạm đình chỉ mà gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại Điều 295. Mức phạt tù từ 01 đến 12 năm.

– Trốn cách ly, không khai báo, khai báo không đầy đủ, khai báo gian đối với người đã được xác định là nhiễm bệnh thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người. Mức phạt tù từ 01 đến 12 năm.

– Người chưa nhiễm Covid 19 nhưng sống trong khu vực cách ly, phong tỏa mà trốn khỏi khu cách ly, không tuẩn thủ quy định cách ly, không khai báo y tế, khai báo gian dối hoặc không đầy đủ mà gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại Điều 295. Mức phạt tù từ 01 đến 12 năm.

– Đăng thông tin không chính thống, sai sự thật về dịch bệnh Covid gây hoang mang dư luận thì bị xử lý về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại điều 288. Mức phạt tù từ 06 tháng đến 07 năm.

– Lợi dụng sự khan hiếm hàng hóa để mua vét hàng hóa đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyên công bố là mặt hàng bình ổn giá hoặc định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thì bị xử lý về tội đầu cơ theo quy định tại Điều 196. Mức phạt tù từ 06 tháng đến 15 năm.

Vì vậy, mỗi người dân cần nâng cao ý thức, thực hiện tốt chỉ đạo của Chính phủ cũng như các Bộ ban ngành để cùng chung tay đẩy lùi Covid 19, cùng đoàn kết đưa Việt Nam tới chiến thắng như Việt Nam đã nhiều lần chiến thắng.

Điều 233. Xác lập quyền sở hữu đối với vật nuôi dưới nước

Khi vật nuôi dưới nước của một người di chuyển tự nhiên vào ruộng, ao, hồ của người khác thì thuộc sở hữu của người có ruộng, ao, hồ đó. Trường hợp vật nuôi dưới nước có dấu hiệu riêng biệt để có thể xác định vật nuôi không thuộc sở hữu của mình thì người có ruộng, ao, hồ đó phải thông báo công khai để chủ sở hữu biết mà nhận lại. Sau 01 tháng, kể từ ngày thông báo công khai mà không có người đến nhận thì quyền sở hữu vật nuôi dưới nước đó thuộc về người có ruộng, ao, hồ.

Điều 232. Xác lập quyền sở hữu đối với gia cầm bị thất lạc

1. Trường hợp gia cầm của một người bị thất lạc mà người khác bắt được thì người bắt được phải thông báo công khai để chủ sở hữu gia cầm biết mà nhận lại. Sau 01 tháng, kể từ ngày thông báo công khai mà không có người đến nhận thì quyền sở hữu đối với gia cầm và hoa lợi do gia cầm sinh ra trong thời gian nuôi giữ thuộc về người bắt được gia cầm.

2. Trường hợp chủ sở hữu được nhận lại gia cầm bị thất lạc thì phải thanh toán tiền công nuôi giữ và chi phí khác cho người bắt được gia cầm. Trong thời gian nuôi giữ gia cầm bị thất lạc, người bắt được gia cầm được hưởng hoa lợi do gia cầm sinh ra và phải bồi thường thiệt hại nếu có lỗi cố ý làm chết gia cầm.

 

Điều 231. Xác lập quyền sở hữu đối với gia súc bị thất lạc

1. Người bắt được gia súc bị thất lạc phải nuôi giữ và báo ngay cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại. Sau 06 tháng, kể từ ngày thông báo công khai hoặc sau 01 năm đối với gia súc thả rông theo tập quán thì quyền sở hữu đối với gia súc và số gia súc được sinh ra trong thời gian nuôi giữ thuộc về người bắt được gia súc.

2. Trường hợp chủ sở hữu được nhận lại gia súc bị thất lạc thì phải thanh toán tiền công nuôi giữ và các chi phí khác cho người bắt được gia súc. Trong thời gian nuôi giữ gia súc bị thất lạc, nếu gia súc có sinh con thì người bắt được gia súc được hưởng một nửa số gia súc sinh ra hoặc 50% giá trị số gia súc sinh ra và phải bồi thường thiệt hại nếu có lỗi cố ý làm chết gia súc

Điều 230. Xác lập quyền sở hữu đối với tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên

1. Người phát hiện tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại tài sản cho người đó; nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.

Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã đã nhận tài sản phải thông báo cho người đã giao nộp về kết quả xác định chủ sở hữu.

2. Sau 01 năm, kể từ ngày thông báo công khai về tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận thì quyền sở hữu đối với tài sản này được xác định như sau:

a) Trường hợp tài sản bị đánh rơi, bỏ quên có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì người nhặt được được xác lập quyền sở hữu đối với tài sản đó theo quy định của Bộ luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; trường hợp tài sản có giá trị lớn hơn mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì sau khi trừ chi phí bảo quản, người nhặt được được hưởng giá trị bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc về Nhà nước;

b) Trường hợp tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên là tài sản thuộc di tích lịch sử – văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa thì tài sản đó thuộc về Nhà nước; người nhặt được tài sản được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật.

Điều 229. Xác lập quyền sở hữu đối với tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy

1. Người phát hiện tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm phải thông báo hoặc trả lại ngay cho chủ sở hữu; nếu không biết ai là chủ sở hữu thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy mà không có hoặc không xác định được ai là chủ sở hữu thì sau khi trừ chi phí tìm kiếm, bảo quản, quyền sở hữu đối với tài sản này được xác định như sau:

a) Tài sản được tìm thấy là tài sản thuộc di tích lịch sử – văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa thì thuộc về Nhà nước; người tìm thấy tài sản đó được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật;

b) Tài sản được tìm thấy không phải là tài sản thuộc di tích lịch sử – văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa mà có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì thuộc sở hữu của người tìm thấy; nếu tài sản tìm thấy có giá trị lớn hơn mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì người tìm thấy được hưởng giá trị bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc về Nhà nước.

Bài viết mới nhất

video tư vấn

dịch vụ tiêu biểu

Bài viết xem nhiều

dịch vụ nổi bật

tong-hop-cac-mau-giay-uy-quyen-pho-bien-nhat-hien-nay
Mẫu giấy ủy quyền

Sau đây công ty Luật Minh Bạch sẽ cung cấp cho mọi người mẫu tham khảo : giấy ủy quyền