Mục lục bài viết
Toggle1. Miễn trách nhiệm trong trường hợp mà các bên đã thỏa thuận
Pháp luật thương mại đề cao tính tự do trong hợp đồng. Do vậy, các bên được quyền tự thỏa thuận các trường hợp miễn trách nhiệm khi giao kết hợp đồng thương mại. Thỏa thuận giữa các bên về trường hợp miễn trách nhiệm phải tồn tại trước khi xảy ra vi phạm và có hiệu lực đến thời điểm bên bị vi phạm áp dụng chế tài.Theo nguyên tắc chung, các điều khoản của hợp đồng do các bên tự do thỏa thuận, nếu không trái với pháp luật thì đều có giá trị pháp lý. Xuất phát từ đó, luật thương mại năm 2005 đã quy định “các bên sẽ không phải chịu trách nhiệm do vi phạm hợp đồng thương mại nếu có sự thỏa thuận của các bên về trường hợp đó được miễn trách nhiệm” tại điểm a khoản 1 điều 294.
Tuy nhiên, khi hợp đồng được giao kết bằng văn bản, thì thỏa thuận miễn trách nhiệm được ghi nhận trong nội dun hợp đồng hoặc trong phụ lục hợp đồng. Nhưng kể cả khi hợp đồng đã ký kết các bên vẫn có thể thỏa thuận bằng lời nói hoặc hành vi cụ thể hoặc sửa đổi, bổ sung vào hợp đồng các trường hợp miễn trách nhiệm. Khi hợp đồng được giao kết bằng lời nói hoặc hành vi cụ thể thì thỏa thuận miễn trách nhiệm cũng có thể được thể hiện bằng lời nói hoặc hành vi cụ thể. Tuy nhiên, việc chứng minh sự tồn tại một thỏa thuận không bằng văn bản sẽ gặp những khó khăn nhất định.
Về vấn đề này, pháp luật nhiều nước cũng có những quy định. Pháp luật Anh coi thỏa thuận của các bên về trường hợp miễn trách nhiệm có hiệu lực pháp lý, tuy nhiên, những thỏa thuận miễn trách nhiệm do vi phạm những điều kiện cơ bản của hợp đồng thì được coi là không có hiệu lực pháp lý. Pháp luật dân sự Đức quy định, bên vi phạm không thể được miễn trừ trách nhiệm trong tương lai do cố ý vi phạm hợp đồng.
Pháp luật trong nước điều chỉnh về vấn đề này chỉ dừng lại ở mức độ chung, chưa đưa ra điều kiện để công nhận thỏa thuận miễn trừ trách nhiệm hợp đồng giữa các bên. Rõ ràng đã có sự thiếu xót ở đây bởi quy định này của nước ta mới chỉ đơn giản là công nhận trường hợp miễn trừ trách nhiệm hợp đồng đã được các bên thỏa thuận trước mà không lưu ý tới trường hợp một trong các bên lợi dụng sự tồn tại của điều khoản miễn trừ trách nhiệm để vi phạm hợp đồng, để họ không phải chịu biện pháp chế tài nào, hậu quả là sự bất bình đẳng giữa các bên trong hợp đồng thương mại không thể tránh khỏi.
2. Miễn trách nhiệm trong trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng.
Theo quy định của điểm b khoản 1 điều 294 Luật thương mại năm 2005, bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng. Điều này có nghĩa là dù hợp đồng có quy định hay không thì khi xảy ra sự kiện bất khả kháng dẫn đến việc vi phạm hợp đồng, bên vi phạm vẫn được miễn trách nhiệm. Tuy nhiên, quy định trên lại chỉ ghi nhận sự kiện bất khả kháng là căn cứ miễn trách nhiệm mà không quy định cụ thể thế nào là sự kiện bất khả kháng và điều kiện áp dụng. Định nghĩa sự kiện bất khả kháng chỉ được quy định chung trong Bộ luật dân sự năm 2015. Theo khoản 1 điều 156 Bộ luật dân sự, sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Theo đó, để được xem là bất khả kháng thì một sự kiện cần thỏa mãn 3 nội dung sau:
Thứ nhất, là sự kiện khách quan xảy ra sau khi ký hợp đồng. Tức là sự kiện nằm ngoài phạm vi kiểm soát của bên vi phạm hợp đồng như các hiện tượng tự nhiên: bão, lụt, sóng thần… các sự kiện chính trị, xã hội: đình công, bạo loạn, chiến tranh…, ngoài ra còn có các trường hợp như hỏa hoạn phát sinh từ khu vực bên ngoài lan sang và thiêu rụi nhà máy…
Thứ hai, là sự kiện xảy ra không thể dự đoán trước được. Năng lực đánh giá xem xét một sự kiện có xảy ra hay không được xét từ vị trí của một thương nhân bình thường chứ không phải một chuyên gia chuyên sâu. Ví dụ khu vực nhà máy của bên vi phạm thường xuyên có bão vào mùa mưa nhưng do tính bất ngờ và khó kiểm soát của bão nên việc dự đoán bão có xảy ra hay không đối với một thương nhân là không thể lường trước được. (chiến tranh, bạo loạn, đình công… hay các thảm họa thiên nhiên khác)
Thứ ba, là sự kiện xảy ra mà hậu quả để lại không thể khắc phục được dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép, là sự kiện xảy ra mà chúng ta không thể tránh được về mặt hậu quả. Tức là sau khi bên vi phạm đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết những vẫn không khắc phục được hậu quả thì mới đáp ứng điều kiện này. Tuy nhiên, nếu như bên vi phạm không thực hiện các biện pháp cần thiết để khắc phục hậu quả nhưng chứng minh được rằng dù có hành động vẫn không thể khắc phục được hậu quả thì xem như đã thỏa mãn điều kiện này.
Để được áp dụng miễn trừ do sự kiện bất khả kháng thì bên có hành vi vi phạm phải chứng minh được sự cố dẫn đến vi phạm hợp đồng thõa mãn 3 điều kiện vừa nêu.
Khi xảy ra trường hợp bất khả kháng, các bên có thể thoả thuận kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng; trừ các hợp đồng mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ có thời hạn cố định về giao hàng hoặc hoàn thành dịch vụ. Nếu các bên không có thoả thuận hoặc không thỏa thuận được thì thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng được tính thêm một thời gian bằng thời gian xảy ra trường hợp bất khả kháng cộng với thời gian hợp lý để khắc phục hậu quả, nhưng không được kéo dài quá các thời hạn sau đây:
- 05 tháng đối với hàng hoá, dịch vụ mà thời hạn giao hàng, cung ứng dịch vụ được thoả thuận không quá 12 tháng, kể từ khi giao kết hợp đồng;
- 08 tháng đối với hàng hoá, dịch vụ mà thời hạn giao hàng, cung ứng dịch vụ được thoả thuận trên 12 tháng, kể từ khi giao kết hợp đồng.
Tuy nhiên, nếu sự kiện bất khả kháng kéo dài quá thời hạn nêu trên thì các bên có quyền từ chối thực hiện hợp đồng và không bên nào có quyền yêu cầu bên kia bồi thường thiệt hại. Bên từ chối thực hiện hợp đồng phải thông báo cho bên kia biết trước khi bên kia bắt đầu thực hiện các nghĩa vụ hợp đồng trong thời hạn 10 ngày.
3. Miễn trách nhiệm trong trường hợp hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia.
Trường hợp miễn trách nhiệm này được quy định tại điểm c, khoản 1, điều 294 Luật thương mại năm 2005. Theo đó, nếu một bên vi phạm hợp đồng nhưng việc vi phạm đó không phải do lỗi của bên vi phạm mà là do lỗi của bên bị vi phạm thì bên vi phạm hợp đồng sẽ được miễn trách nhiệm đối với vi phạm đó. Như vậy, căn cứ để miễn trách nhiệm trong trường hợp này là phải do lỗi của bên bị vi phạm. Lỗi này có thể là hành động hoặc không hành động của bên bị vi phạm.
Ngoài ra, điều 80 công ước viên 1980 cũng có quy định tương tự: “một bên không được viện dẫn một sự không thực hiện nghĩa vụ của bên kia trong chừng mực mà sự không thực hiện nghĩa vụ đó là do những hành vi hay sơ xuất của chính họ”. Như vậy, có thể thấy Luật thương mại Việt Nam năm 2005 đã đảm bảo sự tương thích với pháp luật thương mại quốc tế trong việc quy định về trường hợp miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng mà việc vi phạm đó hoàn toàn do lỗi của bên kia.
4. Miễn trách nhiệm trong trường hợp hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.
Điểm d khoản 1 điều 294 Luật thương mại năm 2005 quy định: trường hợp hành vi vi phạm hợp đồng của một bên là do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng là một căn cứ miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng thương mại.
Miễn trách nhiệm chỉ được áp dụng khi hành vi vi phạm do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng. Nếu như các bên đã biết về việc thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền có thể dẫn đến vi phạm hợp đồng mà vẫn đồng ý giao kết hợp đồng thì không được áp dụng miễn trách nhiệm.Quyết định của cơ quan nhà nước phải làm phát sinh nghĩa vụ của bên vi phạm, tức là phải thực hiện hoặc không thực hiện một hành vi nhất định nào đó dẫn tới hành vi vi phạm hợp đồng.
Ví dụ: Công ty M chuyên sản xuất và cung cấp trứng gà cho nhà phân phối K. Tuy nhiên, cơ sở sản xuất của công ty M bị tuyên bố thuộc vùng dịch bệnh. Theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp Tỉnh, công ty M phải hủy toàn bộ cơ sở sản xuất để tránh lây lan bệnh dịch. Thực hiện quyết định này khiến cho công ty M không thể cung cấp trứng gà cho nhà phân phối K theo hợp đồng đã giao kết. Trong trường hợp này, công ty M được miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm hợp đồng của mình.