1. Ly hôn đơn phương là gì?
Ly hôn là chấm dứt quan hệ hôn nhân do Tòa án quyết định theo yêu cầu của vợ hoặc của chồng hoặc cả hai vợ chồng, hủy bỏ các trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm của hôn nhân và các ràng buộc dân sự khác.
Nếu hai bên vợ chồng thuận tình ly hôn thỏa thuận với nhau giải quyết được tất cả các nội dung quan hệ vợ chồng khi ly hôn thì toà án công nhận ra phán quyết dưới hình thức là quyết định.
Nếu vợ chồng có mâu thuẫn, tranh chấp thì Tòa án ra phán quyết dưới dạng bản án ly hôn. Tranh chấp có thể đến từ việc một trong hai bên không đồng ý ly hôn hoặc tranh chấp về tài sản hay tranh chấp quyền nuôi con.
Ly hôn đơn phương là việc ly hôn theo yêu cầu của một bên (có thể từ vợ hoặc chồng) do cuộc sống hôn nhân không mong muốn, cả hai không thể chung sống hạnh phúc cùng nhau nữa.
2. Căn cứ để ly hôn đơn phương?
Việc ly hôn đơn phương chỉ có thể được pháp luật xem xét, giải quyết nếu có căn cứ chứng minh được cuộc hôn nhân đang lâm vào tình trạng nêu trên.
Tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được có thể hiểu là:
– Vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau, người nào chỉ biết bổn phận của người đó, bỏ mặc người vợ hoặc người chồng muốn sống ra sao thì sống; hoặc
– Vợ, chồng có hành vi ngược đãi, hành hạ nhau, thường xuyên đánh đập hoặc có hành vi khác xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của nhau; hoặc
– Vợ chồng không chung thủy với nhau như có quan hệ ngoại tình.
Để có cơ sở nhận định đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài sẽ căn cứ vào tình trạng hiện tại của vợ chồng đã đến mức được coi là trầm trọng hay không. Trong trường hợp thực tế cho thấy đã được nhắc nhở, hòa giải nhiều lần nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình hoặc vẫn tiếp tục sống ly thân, bỏ mặc nhau hoặc vẫn tiếp tục có hành vi ngược đãi hành hạ, xúc phạm nhau thì có căn cứ để nhận định rằng đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được.
Mục đích hôn nhân không đạt được sẽ có thể hiểu đơn giản là vợ chồng không còn tình nghĩa; không bình đẳng về nghĩa vụ và quyền lợi; không tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của nhau; không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhau hoặc không giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau phát triển về mọi mặt.
3. Cơ quan Nhà nước nào có thẩm quyền giải quyết vụ án ly hôn đơn phương?
Tòa án nhân dân cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Tòa án nhân dân cấp huyện) nơi bị đơn cư trú sẽ có thẩm quyền giải quyết vụ án ly hôn đơn phương.
Bị đơn được hiểu đơn giản là người không có yêu cầu ly hôn đơn phương.
Nơi cư trú sẽ căn cứ dựa trên địa chỉ được thể hiện trong sổ hộ khẩu của bị đơn.
Việc xác định Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết là một yếu tố quan trọng, dù căn cứ ly hôn đơn phương hoặc hồ sơ ly hôn đơn phương có đầy đủ và thuyết phục nhưng nếu xác định không đúng thẩm quyền, Tòa án sẽ không giải quyết yêu cầu ly hôn đơn phương.
4. Hồ sơ ly hôn đơn phương?
Sau khi đã có đủ căn cứ chứng minh như đã nêu tại phần 2 và đã xác định được cơ quan giải quyết, người có yêu cầu ly hôn đơn phương cần chuẩn bị hồ sơ bao gồm những tài liệu sau đây:
– Đơn xin ly hôn;
– Bản sao Giấy CMND/CCCD/Hộ chiếu; Sổ hộ khẩu (có công chứng bản chính);
– Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (nếu có), trong trường hợp mất bản chính giấy chứng nhận kết hôn thì nộp bản sao có xác nhận sao y bản chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, nhưng phải trình bày rõ trong đơn kiện;
– Bản sao giấy khai sinh con (nếu có);
– Bản sao chứng từ, tài liệu về quyền sở hữu tài sản (nếu có);
Trong hồ sơ ly hôn đơn phương, đơn xin ly hôn, CMND và Sổ hộ khẩu là tài liệu bắt buộc phải có để Tòa án có cơ sở thụ lý, giải quyết vụ việc. Giấy khai sinh của con và các chứng từ, tài liệu về quyền sở hữu tài sản là những giấy tờ, tài liệu giúp chứng minh rõ nét yêu cầu ly hôn đơn phương và để Tòa án có căn cứ giải quyết những vấn đề có liên quan đến tranh chấp quyền nuôi con hoặc tranh chấp về tài sản, nếu hai bên đã tự thỏa thuận được về những vấn đề này và không có yêu cầu về việc giải quyết tranh chấp thì tài liệu này có thể có hoặc không.
5. Trình tự, thủ tục khi Tòa án giải quyết một vụ án ly hôn đơn phương ra sao?
Yêu cầu ly hôn đơn phương sẽ được Tòa án thụ lý, giải quyết theo trình tự tố tụng dân sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
Theo đó, người có yêu cầu ly hôn đơn phương có thể nộp hồ sơ ly hôn đơn phương trực tiếp tại Tòa án có thẩm quyền hoặc gửi bộ hồ sơ này qua đường bưu điện.
Người nộp đơn cần lưu ý về việc yêu cầu Tòa án có giấy biên nhận hồ sơ (trong trường hợp nộp trực tiếp) hoặc phiếu báo phát (trường hợp gửi hồ sơ qua đường bưu điện) để làm căn cứ kiến nghị Tòa án giải quyết hồ sơ đúng thời hạn luật định (trong trường hợp Tòa án chậm giải quyết).
5.1. Xem xét hồ sơ ly hôn đơn phương
Trong thời hạn 05 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ, Tòa án sẽ tiến hành xem xét những tài liệu, chứng cứ, nếu xét thấy đúng thẩm quyền, Tòa án sẽ tiến thông báo cho người có yêu cầu ly hôn đơn phương bằng văn bản.
5.2. Thông báo nộp tiền tạm ứng án phí
Thông báo bằng văn bản được gửi đến người có yêu cầu ly hôn đơn phương là thông báo nộp tiền tạm ứng án phí, trong đó sẽ ghi rõ số tiền tạm ứng án phí mà người có yêu cầu khởi kiện phải nộp. Mức tạm ứng án phí để Tòa án thụ lý vụ án ly hôn hiện nay là 300.000 đồng. Trong trường hợp yêu cầu ly hôn đơn phương có đề nghị giải quyết tranh chấp tài sản chung vợ chồng thì số tiền tạm ứng án phí sẽ tính theo % căn cứ trên giá trị tài sản mà các bên tranh chấp. Giá trị tài sản tranh chấp càng nhiều thì số tiền tạm ứng án phí càng cao.
Quy định về việc nộp tiền tạm ứng án phí này nhằm mục đích khuyến khích tinh thần thỏa thuận của các bên trong ly hôn.
Khi nhận được thông báo này, người có yêu cầu ly hôn đơn phương bắt buộc phải nộp tiền tạm ứng án phí tại cơ quan thi hành án cấp có thẩm quyền trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được thông báo. Gọi là bắt buộc bởi việc nộp tiền tạm ứng án phí hết sức quan trọng, quyết định đến việc ly hôn đơn phương có được giải quyết hay không, nếu không nộp số tiền tạm ứng án phí này theo đúng thời hạn thì Tòa án sẽ ra quyết định tạm đình chỉ vụ án dẫn đến việc vụ án sẽ không được xem xét, giải quyết.
5.3. Thụ lý vụ án và chuẩn bị xét xử
Sau khi người có yêu cầu ly hôn đơn phương nộp tiền tạm ứng án phí đúng theo quy định, Tòa án sẽ thụ lý vụ án để xem xét, giải quyết, ra thông báo về việc thụ lý vụ án và tiến hành các công tác chuẩn bị xét xử.
Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Toà án tiến hành hoà giải để các đương sự thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án. Việc hoà giải được tiến hành theo các nguyên tắc tôn trọng sự tự nguyện thoả thuận của các đương sự, không được dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực, bắt buộc các đương sự phải thoả thuận không phù hợp với ý chí của mình; Nội dung thoả thuận giữa các đương sự không được trái pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội.
Trường hợp trong phiên hòa giải, các bên hòa giải được đoàn tụ thì tòa án tiến hành lập biên bản hòa giải thành, trong vòng 7 ngày mà không có tranh chấp gì thì Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các được sự.
Nếu trong phiên hòa giải, các bên vẫn có tranh chấp hoặc mâu thuẫn thì Tòa án sẽ ra quyết định mở phiên tòa xét xử.
Trong thời hạn chuẩn bị xét xử, Tòa án sẽ tiến hành áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, thu thập chứng cứ nếu xét thấy cần thiết hoặc nếu có yêu cầu của đương sự.
Thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án dân sự là 4 tháng kể từ ngày thụ lý, trường hợp có trở ngại khách quan hoặc tình tiết phức tạp thì được gia hạn tối đa không quá 2 tháng.
Trong thời hạn 1 tháng kể từ ngày ra quyết định đưa vụ án ra xét xử thì Tòa án phải mở phiên tòa, trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là hai tháng.
Có thể thấy từ thời điểm nộp hồ sơ, thụ lý vụ án đến thời điểm mở phiên tòa để giải quyết vụ án theo luật định có thể lên đến 8 tháng, tuy nhiên thực tế có những vụ án còn lâu hơn thế rất nhiều, thậm chí hàng năm trời vụ án cũng chưa được thụ lý, giải quyết. Không chỉ trong ly hôn mà trình tự, thủ tục nêu trên cũng được áp dụng đối với các vụ án dân sự ở nhiều lĩnh vực khác.
Vì vậy, mỗi người cần thiết phải trang bị cho mình những kiến thức pháp lý cơ bản để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính mình nếu trường hợp chẳng may mình trở thành diễn viên chính trong một bộ phim buồn như thế này.
____________________________________________________________________________________________
Trên đây là quan điểm của Luật Minh Bạch về vấn đề trên, bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, để được hỗ trợ và tư vấn cụ thể hơn, quý bạn đọc vui lòng liên hệ trực tiếp:
Công ty Luật Minh Bạch
Địa chỉ: Phòng 703, số 272 Khương Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội
Hotline: 1900.6232
Email: luatsu@luatminhbach.vn
Trân trọng !