Câu hỏi :
Nước mắm Phan Thiết đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý năm 2007. Ngày 23/10/2010, Hiệp hội nước mắm Phan Thiết phát hiện doanh nhiệp X tại Nghệ An thu mua nước mắm đóng trong thùng lớn của một số cơ sở tại Phan Thiết và các địa phương khác đem về pha chế, đóng chai và dán nhãn “ Nước mắm đậm đà hương vị Phan Thiết” để bán ra thị trường. Chúng tôi muốn hỏi hành vi của doanh nghiệp X có xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không? Và những biện pháp nào phù hợp để hiệp hội nước mắm Phan Thiết bảo vệ được quyền lợi ích hợp pháp của mình.
Trả lời:
Cảm ơn bạn đã tin tưởng luật Minh Bạch và gửi câu hỏi về cho chúng tôi, luật sư chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau :
Theo Điều 5 về xác định hành vi xâm phạm của Nghị định 105/2006/NĐ-CP thì hành vi được xem xét để coi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ khi có đủ các căn cứ sau: “Hành vi bị xem xét bị coi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ quy định tại các Điều 28, 35, 126, 127, 129 và 188 của Luật Sở hữu trí tuệ, khi có đủ các căn cứ sau đây:
“1. Đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
- Có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét.
- Người thực hiện hành vi bị xem xét không phải là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định tại các Điều 25, 26, 32, 33, khoản 2 và khoản 3 Điều 125, Điều 133, Điều 134, khoản 2 Điều 137, các Điều 145, 190 và 195 của Luật Sở hữu trí tuệ.
- Hành vi bị xem xét xảy ra tại Việt Nam”.
Vậy để hiểu rõ hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thì trước hết phải đi tìm hiểu những căn cứ sau đây:
Thứ nhất: “đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ đó là chỉ dẫn địa lý”. Theo như đề bài ra thì nước mắm Phan Thiết đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý năm 2007. Chỉ dẫn địa lý là một trong những đối tượng được bảo hộ theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ
Khi mà nước mắm Phan Thiết được bảo hộ thì mọi người tiêu dùng hiểu là sản phẩm gia công, chế biến từ Phan Thiết, mang đâm hương vị của vùng đất nơi đó mà bất cứ sản phẩm nào khác không tạo nên tính chất đặc biệt của sản phẩm nước mắm như ở Phan Thiết.
Thứ hai: “có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét”
Theo quy định tại điểm b, Khỏan 3, Điều 12 nghị định của Chính phủ số 105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sở hữu trí tuệ và quản lí nhà nước về sở hữu trí tuệ thì :
“b) Sản phẩm mang dấu hiệu bị nghi ngờ trùng hoặc tương tự với sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, trong đó sản phẩm bị coi là trùng hoặc tương tự nếu giống nhau hoặc tương tự nhau về bản chất, chức năng, công dụng và kênh tiêu thụ;”
Theo đề bài, nước mắm Phan Thiết đã được chủ sở hữu đăng ký là chỉ dẫn địa lý và đã được cấp giấy chứng nhận, là hàng tiêu thụ quen thuộc với mọi người tiêu dùng, họ mặc định là nước mắm đó được sản xuất tại Phan Thiết trên dây chuyền công nghệ hiện đại và có chất lượng sản phẩm đặc biệt mà chỉ có ở đó mới có được.Đến ngày 23/10/2010, hiệp hội nước mắm Phan Thiết phát hiện doanh nghiệp X tại Nghệ An thu mua nước mắm đóng thùng lớn của một số cơ sở tại Phan Thiết và các địa phương khác, đem về pha chế đóng chai và dán nhãn “Nước mắm đậm đà hương vị Phan Thiết” để bán ra thị trường làm cho người tiêu dùng nhầm tưởng rằng đây là nước mắm có xuất xứ từ Phan Thiết, có hương vị nguồn gốc từ vùng đó.Vậy doanh nghiệp X đã sử dụng chỉ dẫn địa lý đã được đăng ký bảo hộ tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nước mắm Phan Thiết; tương tự ở đây được hiểu là khi nước mắm của doanh nghiệp X này tung ra thị trường thì mọi người tiêu dùng không thể phân biệt được đâu là hàng thật có xuất xứ từ Phan Thiết và đâu là hàng giả.Như vậy, phần lớn người tiêu dùng sẽ nhầm lẫn với nguồn gốc xuất xứ của nước mắm Phan Thiết của Hiệp hội nước mắm Phan Thiết với nước mắm của doanh nghiệp X tại Nghệ An, mặc dù hình dáng, cách bố trí nhãn hiệu có khác nhau nhưng vẫn gây nhầm lẫn cho mọi người.
Thứ 3 là : “Người thực hiện hành vi bị xem xét không phải là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định tại các Điều 25, 26, 32, 33, khoản 2 và khoản 3 Điều 125, Điều 133, Điều 134, khoản 2 Điều 137, các Điều 145, 190 và 195 của Luật Sở hữu trí tuệ”. Doanh nghiệp X tại Nghệ An không phải là chủ sở hữu của chỉ dẫn địa lý đó mà là hiệp hội nước mắm Phan Thiết, và cũng không phải chủ thể được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép
Theo đề thì doanh nghiệp X tại Nghệ an thu mua nước mắm đóng trong thùng lớn của một số cơ sở tại Phan Thiết và các địa phương khác đem về pha chế, đóng trai và dán nhãn “Nước mắm đậm đà hương vị Phan Thiết” doanh nghiệp X không pải là chủ sở hữu của chỉ dẫn địa lý đó. Thay vào đó thì chủ sở hữu của chỉ dẫn địa lý đó là Hiệp hội nước mắm Phan Thiết (đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý năm 2007). Như vậy doanh nghiệp X tại Nghệ An sử dụng nhãn hiệu trùng với chỉ dẫn địa lý của hiệp hội là bất hợp pháp và trái với những quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ.
Thứ tư là : “Hành vi bị xem xét xảy ra tại Việt Nam”
Hành vi vi phạm của doanh nghiệp X xay ra trên lãnh thổ Việt Nam
Từ những căn cứ nêu trên thì hành vi của doanh nghiệp X xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định tại Điểm c, Khoản 3, Điều 129:
“Sử dụng bất kỳ dấu hiệu nào trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm không có nguồn gốc từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý đó làm cho người tiêu dung hiểu sai rằng sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực địa lý đó”
Doanh nghiệp X cũng có mua nước mắm đóng thù tại Phan Thiết nhưng cũng mua ở nơi khác về pha chế và đóng chai để tung ra thị trường, sử dụng dấu hiệu tương tự với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm nước mắm Phan Thiết của Hiệp hội nước mắm Phan Thiết làm cho người tiêu dùng hiểu sai sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ Phan Thiết.
Các biện pháp phù hợp để Hiệp hội nước mắm Phan Thiết bảo vệ được quyền lợi ích hợp pháp của mình.
Tùy thuộc vào mức độ của hành vi xâm phạm mà doanh nghiệp X vi phạm để tiến hành xử lý theo biện pháp khác nhau. Pháp luật nước ta thừa nhận nhiều biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ như :biện pháp tự bảo vệ, biện pháp hành chính, biện pháp hình sự, biện pháp dân sự….Để hiệp hội nước mắm Phan Thiết có thể bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì hiệp hội có thể áp dụng một số biện pháp sau:
*) Thứ nhất là biện pháp tự bảo vệ
Nếu thực hiện theo biện pháp này thì Hiệp hội nước mắm Phan Thiết có thể áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm của doanh nghiệp X, hoặc có thể yêu cầu họ chấm dứt hành vi xâm phạm của mình rồi xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại.Hoặc có thể yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm của doanh nghiệp X theo quy định của pháp luật có liên quan.Biện pháp này có ưu điểm là tôn trọng sự định đoạt của các bên, các bên có thể chủ động trong quá trình giải quyết tranh chấp; không phụ thuộc vào cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên tiết kiệm được thời gian và chi phí cho các bên tranh chấp; biện pháp này bảo mật được thông tin liên quan đến quá trình giải quyết tranh chấp. Ngoài những ưu điểm trên biện pháp này có nhược điểm là hoàn toàn phụ thuộc vào bên vi phạm, và không có biện pháp cưỡng chế bắt buộc nên hiệu quả không theo ý muốn của các bên tranh chấp, nhất là đối với bên bị xâm phạm.
*) Thứ hai, biện pháp hành chính
Theo quy định tại khoản 1 Điều 211 Luật sở hữu trí tuệ về các hành vi vi phạm bị xử lý hành chính của doanh nghiệp X là:
“d) Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán vật mang nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này”.
Theo đề bài thì doanh nghiệp X đã sản xuất nước mắm nhưng lấy nhãn hiệu là chỉ dẫn địa lý của nước mắm Phan Thiết đã được đăng ký bảo hộ.Ưu điểm của biện pháp này là thủ tục đơn giản; tiết kiệm được thời gian và chi phí cho chủ sở hữu bị xâm phạm khi thực hiện yêu cầu; quan trọng hơn cả biện pháp này là biện pháp hiệu quả nhất khi muốn chấm dứt ngay hành vi xâm phạm của doanh nghiệp X; và tiếp đó là bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng và lợi ích kinh tế của nhà nước. Nhưng bên cạnh những ưu điểm của biện pháp này thì vẫn còn hạn chế đó là không bảo mật được thông tin; quan trọng là biện pháp này không được bồi thường (nếu muốn được bồi thường thì phải khởi kiện dân sự); biện pháp này chỉ có tác dụng giáo dục, răn đe trong quy mô nhỏ; chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe dễ dẫn đến tái phạm nhiều lần của người thực hiện hành vi xâm phạm. Hiệp hội nước mắm Phan Thiết có thể áp dụng biện pháp hành chính này nhờ đến thẩm quyền của các cơ quan Thanh tra, Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Uỷ ban nhân dân các cấp. Trong trường hợp cần thiết, các cơ quan này có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật
*) Thứ ba là biện pháp hình sự
Đối với biện pháp hình sự thì theo quy định tại Điều 212 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 có quy định : “Cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự”
Để hiểu rõ vấn đề này thì trong bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 có quy định về các tội danh trong đó có Điều 171 về xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp: “Điều 171. Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp:
“ Người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại, thì bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến hai năm.”
Như vậy dựa vào hành vi xâm phạm của doanh nghiệp X tại Nghệ An thì đây là hành vi cố ý xâm phạm quuyền sở hữu công nghiệp về chỉ dẫn địa lý của nước mắm Phan Thiết đã được cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam năm 2007 thì bị phạt từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến hai năm.
Nếu hành vi của doanh nghiệp X đã bị hiệp hộ nước mắm Phan Thiết phát hiện yêu cầu dừng lại nhưng vẫn tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm này thì sẽ bị phạt tiền từ bốn trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm
Với biện pháp này thì nó có ưu điểm là xử lý triệt để các hành vi xâm phạm; có tác dụng giáo dục, răn đe hành vi xâm phạm một cách hiệu quả nhất, không có tình trạng tái phạm lại hành vi phạm tội. Nhưng biện pháp này cũng có nhược điểm là trình tự thủ tục phức tạp, mất nhiều thời gian, chi phí. Mặt khác nếu áp dụng biện pháp này thì sự tham gia của chủ thể quyền bị hạn chế, vì có sự có mặt của các cơ quan có thẩm quyền, các cơ quan tiến hành tố tụng…
Tóm lại Hiệp hội nước mắm Phan Thiết có thể áp dụng biện pháp hình sự đối với doanh nghiêp X tại Nghệ An để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình
*) Thứ tư là biện pháp dân sự
Áp dụng biện pháp dân sự trong trường hợp có yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc tổ chức, cá nhân bị thiệt hại khi có hành vi xâm phạm gây ra.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 200 luật sở hữu trí tuệ về thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có quy định như sau: “Việc áp dụng biện pháp dân sự, hình sự thuộc thẩm quyền của Toà án. Trong trường hợp cần thiết, Tòa án có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật”.
Các biện pháp dân sự được áp dụng đối với người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp là buộc người có hành vi xâm phạm phải chấm dứt hành vi xâm phạm, buộc người có hành vi xâm phạm phải bồi thường thiệt hại, phải thực hiện nghĩa vụ dân sự, phải xin lỗi cải chính công khai…Đối với hành vi mà doanh nghiệp X thu mua nước mắm đóng trong thùng lớn của một số cơ sở tại Phan Thiết và các địa phương khác đem về pha chế, đóng chai và dán nhãn “nước mắm đậm đà hương vị Phan Thiết” để bán ra thị trường khi mà bị phát hiện thì Hiệp hộ nước mắm Phan Thiết sẽ yêu cầu doanh nghiệp X phải chấm dứt việc sản xuất buôn bán của mình, bồi thường thiệt hại mà hành vi của doanh nghiệp này gây ra, phải xin lỗi và làm sang tỏ sự việc nếu có sự hiểu nhầm xảy ra và gây hậu quả như ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng của sản phẩm…
Với biện pháp này thì nó có những ưu điểm như biện pháp thể hiện bản chất quan hệ dân sự liên quan đến sở hữu trí tuệ; là biện pháp xử lý triệt để hành vi xâm phạm, đòi được bồi thường từ hành vi xâm phạm của doanh nghiệp X; đặc biệt là biện pháp này có thể áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo vệ chứng cứ vi phạm. Nhưng biện pháp này cũng có những hạn chế như tốn nhiều thời gian, chi phí cho chủ thể yêu cầu thực hiện biện pháp; kèm theo trình tự, thủ tục phức tạp, đặc biệt hơn của biện pháp này nghĩa vụ chứng minh của đối tượng bị xâm phạm, rất khó khăn trong quá trình tìm chứng cứ, chứng minh hành vi xâm phạm của chủ thể có hành vi xâm phạm đó.
Đây được coi là biện pháp xử lý mềm mỏng hơn biện pháp hình sự, trên cơ sở quy định của pháp luật thì biện pháp dân sự thiên về bồi thường thiệt hại. Thiệt hại được xác định trên cơ sở thiệt hại thực tế do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của chủ sở hữu, bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần của chủ sở hữu với chỉ dẫn địa lý nước mắm Phan Thiết nổi tiếng.
Toàn bộ ở trên là bốn biện pháp gợi ý cho Hiệp hội nước mắm Phan Thiết có thể áp dụng để bảo vệ triệt để quyền và lợi ích hợp pháp của mình, mỗi một biện pháp có những ưu điểm và hạn chế riêng của nó, phụ thuộc vào hành vi xâm phạm của doanh nghiệp X và suy nghĩ của Hiệp hội để lựa chọn biện pháp phù hợp cho cả hai bên chủ thể, nếu thiệt hại không nhiều hoặc không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Hiệp hội thì có thể áp dụng biện pháp tự bảo vệ : yêu cầu doanh nghiệp X xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại hoặc áo dụng biện pháp hành chính, đây là biện pháp hiệu quả nhất khi muốn doanh nghiệp X chấm dứt ngay hành vi xâm phạm của mình. Còn nếu có ảnh hưởng nghiêm trọng mà trong trường hợp Hiệp hội đã phát hiện và yêu cầu doanh nghiệp X dừng hành vi xâm phạm lại nhưng vẫn không có hiệu quả thì Hiệp hội có thể áp dụng biện pháp hình sự phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ, hoặc áp dụng biện pháp dân sự có thể khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.