Xin cấp Giấy phép kinh doanh đối với Hoạt động bán lẻ của Công ty có vốn đầu tư nước ngoài
Theo Nghị định 09/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018 của Chính phủ Quy định chi tiết luật thương mại và luật quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài khi hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa sẽ thực hiện theo nội dung được quy định tại Nghị định này, cụ thể Liên quan đến việc Xin cấp Giấy phép kinh doanh của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
Luật Minh Bạch xin giới thiệu đến nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, điều kiện, trình tự thủ tục xin Giấy phép kinh doanh (đối với nhà đầu tư nước ngoài) và những lưu ý khi thực hiện thủ tục:
I. Trường hợp phải xin cấp Giấy phép kinh doanh
Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 09/2018/NĐ-CP, Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài khi thực hiện đầu tư kinh doanh tại Việt Nam có liên quan đến hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa, cụ thể là những hoạt động sau, thì phải xin cấp Giấy phép kinh doanh:
“ a) Thực hiện quyền phân phối bán lẻ hàng hóa, không bao gồm hàng hóa quy định tại điểm c khoản 4 Điều 9 Nghị định này;
b) Thực hiện quyền nhập khẩu, quyền phân phối bán buôn hàng hóa quy định tại điểm b khoản 4 Điều 9 Nghị định này;
c) Thực hiện quyền phân phối bán lẻ hàng hóa quy định tại điểm c khoản 4 Điều 9 Nghị định này;
d) Cung cấp dịch vụ logistics; trừ các phân ngành dịch vụ logistics mà Việt Nam có cam kết mở cửa thị trường trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
đ) Cho thuê hàng hóa, không bao gồm cho thuê tài chính; trừ cho thuê trang thiết bị xây dựng có người vận hành;
e) Cung cấp dịch vụ xúc tiến thương mại, không bao gồm dịch vụ quảng cáo;
g) Cung cấp dịch vụ trung gian thương mại;
h) Cung cấp dịch vụ thương mại điện tử;
i) Cung cấp dịch vụ tổ chức đấu thầu hàng hóa, dịch vụ.”
Ø Căn cứ vào Điều 9 Nghị định này các khoản a, b, c được nêu trên : Tổ chức kinh tế có vốn nước ngoài thực hiện quyền nhập khẩu, phân phối hàng hóa lưu ý cụ thể các trường hợp phải xin cấp Giấy phép kinh doanh như sau:
· Thực hiện quyền phân phối bán lẻ hàng hóa, không bao gồm hàng hóa là gạo; đường; vật phẩm đã ghi hình; sách, báo và tạp chí => Tổ chức kinh tế nhập khẩu, xuất khẩu, phân phối bán buôn hàng hóa, không bao gồm hàng hóa là gạo; đường; vật phẩm đã ghi hình; sách, báo và tạp chí thì không phải xin Giấy phép kinh doanh
· Thực hiện quyền nhập khẩu, quyền phân phối bán buôn hàng hóa là dầu, mỡ bôi trơn có thực hiện một trong các hoạt động sau:
– Sản xuất dầu, mỡ bôi trơn tại Việt Nam;
– Sản xuất hoặc được phép phân phối tại Việt Nam máy móc, thiết bị, hàng hóa có sử dụng dầu, mỡ bôi trơn loại đặc thù.
· Thực hiện quyền phân phối bán lẻ hàng hóa là gạo; đường; vật phẩm đã ghi hình; sách, báo và tạp chí. Đối với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã có cơ sở bán lẻ dưới hình thức siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi thì cấp phép thực hiện quyền phân phối bán lẻ để bán lẻ tại các cơ sở đó.
II. Điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh
Điều 9 Nghị định 09/2018/NĐ-CP đưa ra các điều kiện như sau:
1. Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thuộc nước, vùng lãnh thổ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có cam kết mở cửa thị trường cho hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa
“a) Đáp ứng điều kiện về tiếp cận thị trường tại Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
b) Có kế hoạch về tài chính để thực hiện hoạt động đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh;
c) Không còn nợ thuế quá hạn trong trường hợp đã thành lập tại Việt Nam từ 01 năm trở lên.”
2. Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài không thuộc nước, vùng lãnh thổ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên
a) Điều kiện quy định tại điểm b và c khoản 1 Điều này;
“b) Có kế hoạch về tài chính để thực hiện hoạt động đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh;
c) Không còn nợ thuế quá hạn trong trường hợp đã thành lập tại Việt Nam từ 01 năm trở lên.”
b) Đáp ứng tiêu chí sau:
– Phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành;
– Phù hợp với mức độ cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước trong cùng lĩnh vực hoạt động;
– Khả năng tạo việc làm cho lao động trong nước;
– Khả năng và mức độ đóng góp cho ngân sách nhà nước.
III. Trình tự thủ tục xin giấy phép kinh doanh:
B1: Nộp hồ sơ xin Cấp Giấy phép kinh doanh lên Sở Công Thương
Hồ sơ gồm:
1. Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh (Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này).
2. Bản giải trình có nội dung:
a) Giải trình về điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh
Lưu ý: Giải trình theo các tiêu chí:
– Quốc tịch của Nhà đầu tư có đáp ứng điều kiện về tiếp cận thị trường tại Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hay không?;
– Đáp ứng điều kiện về tiếp cận thị trường hàng hóa;
– Giải trình về kinh nghiệm hoạt động của nhà đầu tư
– Đánh giá tác động hiệu quả kinh tế, xã hội, sự phù hợp của dự án với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch sử dụng đất, tác động của dự án tới môi trường
b) Kế hoạch kinh doanh: Mô tả nội dung, phương thức thực hiện hoạt động kinh doanh; trình bày kế hoạch kinh doanh và phát triển thị trường; nhu cầu về lao động; đánh giá tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của kế hoạch kinh doanh;
Lưu ý: Trình bày tiêu chuẩn cơ sở vật chất, thị trường mục tiêu, đối tượng khách hàng, phương án lưu giữ kho và bảo quản hàng hóa, nhu cầu sử dụng lao động phục vụ cụ thể mục đích phân phối , phương thức thực hiện hoạt động kinh doanh phân phối từ giới thiệu sản phẩm đến giao hàng
c) Kế hoạch tài chính: Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trên cơ sở báo cáo tài chính đã được kiểm toán của năm gần nhất trong trường hợp đã thành lập ở Việt Nam từ 01 năm trở lên; giải trình về vốn, nguồn vốn và phương án huy động vốn; kèm theo tài liệu về tài chính;
Lưu ý: Giải trình vốn sử dụng cho mục đích phân phối, xuất khẩu: Tổng vốn, nguồn vốn, phương thức huy động vốn. Nếu nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức thì phải kèm cả báo cáo tài chính của công ty mẹ
d) Tình hình kinh doanh hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa; tình hình tài chính của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tính tới thời điểm đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh, trong trường hợp cấp Giấy phép kinh doanh quy định tại khoản 6 Điều 5 Nghị định này.
Lưu ý: Giải trình số liệu căn cứ vào báo cáo tài chính của tổ chức kinh tế có vốn nước ngoài
3. Tài liệu của cơ quan thuế chứng minh không còn nợ thuế quá hạn.
4. Bản sao: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa (nếu có).
B2: Sở Công Thương tiếp nhận hồ sơ: Đa số hồ sơ chuyển về Phòng Thương Mại, Phòng Kinh tế đối ngoại
Cơ quan cấp phép lấy ý kiến Bộ Công Thương, bộ quản lý ngành trong các trường hợp sau:
a) Lấy ý kiến Bộ Công Thương, bộ quản lý ngành trước khi cấp, điều chỉnh Giấy phép kinh doanh hoạt động: Thực hiện quyền phân phối bán lẻ hàng hóa gạo; đường; vật phẩm đã ghi hình; sách, báo và tạp chí
b) Lấy ý kiến Bộ Công Thương trước khi cấp, điều chỉnh Giấy phép kinh doanh các hoạt động:
– Thực hiện quyền nhập khẩu, quyền phân phối bán buôn hàng hóa là dầu mỡ bôi trơn
– Cung cấp dịch vụ logistics; trừ các phân ngành dịch vụ logistics mà Việt Nam có cam kết mở cửa thị trường trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
– Cho thuê hàng hóa, không bao gồm cho thuê tài chính; trừ cho thuê trang thiết bị xây dựng có người vận hành;
– Cung cấp dịch vụ xúc tiến thương mại, không bao gồm dịch vụ quảng cáo;
– Cung cấp dịch vụ trung gian thương mại;
– Cung cấp dịch vụ thương mại điện tử;
– Cung cấp dịch vụ tổ chức đấu thầu hàng hóa, dịch vụ.
B3: Sở Công Thương trả kết quả
Thời hạn xử lý: 10-15 ngày
Thời hạn xử lý (trong trường hợp xin ý kiến Bộ): 25-30 ngày