Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) quy định sau khi kê khai lần đầu, cán bộ, công chức chỉ kê khai bổ sung mỗi khi được đề bạt chức vụ mới.
Ảnh minh họa
Ngày 15/9, Hội luật gia VN tổ chức hội thảo tham vấn dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Tại đây, Phó tổng thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho biết dự thảo Luật phòng chống tham nhũng đã bỏ quy định về kê khai tài sản, thu nhập hàng năm, thay vào đó bằng kê khai lần đầu và bổ sung.
Kê khai lần đầu thực hiện với tất cả người mới được bổ nhiệm vào ngạch công chức. “Có nghĩa là anh bắt đầu sự nghiệp công chức thì phải tuyên thệ là tài sản, thu nhập của mình có bao nhiêu”, ông Thanh nói.
Sau khi kê khai lần đầu, cán bộ, công chức chỉ kê khai bổ sung mỗi khi được đề bạt chức vụ mới, hoặc khi có biến động về tài sản, thu nhập tăng thêm với giá trị từ 200 triệu đồng trở lên.
Ông Chu Văn Thịnh, Chủ tịch Hội luật gia quận Ba Đình (Hà Nội) cho rằng không nên bỏ kê khai tài sản, thu nhập hàng năm vì đây là “sự thụt lùi của một chế định”. Theo ông Thịnh, việc kê khai hàng năm có tác dụng như “sáng nào ngủ dậy cũng phải rửa mặt, soi gương”…
Vị Chủ tịch Hội luật gia cũng cho rằng cần mở rộng đối tượng kê khai, vì trong thực tế nhiều người không có hệ số phụ cấp chức vụ nhưng lại giữ vị trí nghề nghiệp dễ nhũng nhiễu. “Trong cuộc họp của Hội luật gia quận Ba Đình, một nữ luật sư trẻ phát biểu là có cảnh sát khu vực (cấp phường) làm nhiệm vụ ở địa bàn thương mại lớn của Hà Nội không muốn được đề bạt lên vị trí lãnh đạo cấp quận, bởi công việc hiện tại của người ta dễ hơn, lợi ích hơn vị trí khác”, ông Thịnh dẫn chứng.
Nguyên vụ trưởng vụ Pháp chế Thanh tra chính phủ Đỗ Gia Thư cho hay, nhiều ý kiến đồng tình phải có biện pháp phù hợp để kiểm soát tài sản, thu nhập của người thân cán bộ, công chức trong diện phải kê khai tài sản, thu nhập (vợ hoặc chồng, con, bố mẹ, anh chị em). Tuy nhiên, quan điểm khác lo ngại kiểm soát như vậy thì quá rộng, không quản lý được và sẽ mang tính hình thức.
Về việc công khai bản kê khai tài sản, nguyên vụ trưởng vụ Pháp chế nói ông đã nhiều lần đấu tranh phải công khai ở nơi cư trú thay vì chỉ ở công sở như lâu nay. “Đây là điều cực kỳ cần thiết để nhân dân giám sát quan chức”, ông Thư nói.
Theo quy định hiện hành, hơn một triệu cán bộ, công chức ở Việt Nam phải kê khai tài sản, thu nhập hàng năm, tuy nhiên số được xác minh và bị xử lý kỷ luật do kê khai không trung thực rất ít. Đơn cử, năm 2014 có hơn 1 triệu người thực hiện công việc nêu trên, 1.225 bản kê khai được xác minh và chỉ 5 người bị cơ quan chức năng kết luận không trung thực.