Hotline tư vấn: 0243 999 0601
Tư vấn qua email: info@luatminhbach.vn

Hãng PEGA quảng cáo xe điện eSH bằng cách so sánh với Honda SH 2020 có vi phạm pháp luật?

Chiều ngày 11/1, hãng xe điện Pega trình làng mẫu xe hai bánh mới với tên gọi eSH được thiết kế tương đồng xe tay ga Honda SH “huyền thoại”. Trong buổi ra mắt sản phẩm, đại diện hãng xe này đã mang sản phẩm của mình so sánh trực diện với mẫu Honda SH 2020. Mở đầu bài so sánh, ông Đoàn Ngọc Linh, CEO hãng xe điện Pega khẳng định, sản phẩm của mình học theo thiết kế của SH, nhưng đẹp hơn và không ngần ngại so sánh trực tiếp với Honda SH 2020.

Với việc chọn cách ra mắt sản phẩm mới của mình bằng việc so sánh trực tiếp với phân khúc sản phẩm xe tay ga cao cấp được nhiều người Việt ưa chuộng sẽ khiến nhiều người chú ý hơn và đây là một cách marketing, quảng cáo có thể được coi là khôn ngoan trong kinh doanh. Vậy việc mượn hình ảnh của sản phẩm cùng loại để quảng bá, giới thiệu sản phẩm của mình nếu nhìn dưới khía cạnh pháp luật thì phương thức quảng cáo này có hợp pháp?

Theo quy định quy định của pháp luật, cụ thể tại khoản 1, Điều 2, Luật Quảng cáo 2012, thì hành vi quảng cáo được hiểu như sau:

“Quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự; chính sách xã hội; thông tin cá nhân.”

Như vậy, khi thực hiện hoạt động kinh doanh, việc quảng cáo nhằm giới thiệu đến người tiêu dùng các thông tin về sản phẩm hàng hóa, tìm kiếm nguồn khách hàng, tăng doanh thu lợi nhuận là hoạt động kinh doanh hợp pháp.

Tuy nhiên, hoạt động quảng cáo của cá nhân, tổ chức buộc phải tuân thủ đúng quy định pháp luật. Với việc quảng cáo sản phẩm bằng cách so sánh trực tiếp với một sản phẩm cùng loại khác, trong trường hợp này dù sản phẩm xe máy điện Pega eSH còn sản phẩm bị so sánh là xe tay ga SH, tuy nhiên về mặt bản chất, cả 02 sản phẩm đều là phương tiện di chuyển 02 bánh, có cùng phân khúc khách hàng nên hành vi này là không được pháp luật cho phép, vi phạm quy định của cả Luật Quảng cáo và Luật Cạnh tranh. Cụ thể:

Theo quy định tại khoản 10, Điều 8, Luật Quảng cáo 2012: Hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo:

“Quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp về giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình với giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng loại của tổ chức, cá nhân khác.”

Theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều Luật Cạnh tranh 2018 quy định việc so sánh sản phẩm với sản phẩm cùng loại khác là hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm, lôi kéo khách hàng bất chính, cụ thể:

  1. Lôi kéo khách hàng bất chính bằng các hình thức sau đây:
  2. b) So sánh hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác nhưng không chứng minh được nội dung.Theo quy định tại khoản 6, Điều 109, Luật Thương mại 2005: Các quảng cáo thương mại bị cấm:

Với hành vi vi phạm quy định trong hoạt động quảng cáo và cạnh tranh, hãng PEGA có thể đối mặt với những chế tài dân sự và xử phạt hành chính.

Chế tài hành chính:

Căn cứ theo Nghị định 75/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh:

Điều 20. Hành vi lôi kéo khách hàng bất chính

  1. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi lôi kéo khách hàng bất chính bằng các hình thức sau đây:
  2. b) So sánh hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác nhưng không chứng minh được nội dung.

Nghị định 158/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo

Điều 51. Vi phạm quy định về hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo

  1. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
  2. b) Quảng cáo có nội dung so sánh trực tiếp về giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình với giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng loại của tổ chức, cá nhân khác;

Hãng PEGA có thể bị xử phạt tiền 30.000.000 đồng – 40.000.000 đồng đối với hành vi bị cấm trong quảng cáo và 100.000.000 đồng – 200.000.000 đồng khi vi phạm hoạt động cạnh tranh không lành mạnh, ngoài ra có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, đình chỉ hoạt động, tịch thu khoản lợi nhuận từ việc thực hiện hành vi vi phạm.

Về dân sự, hãng Honda có thể khởi kiện ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu phía PEGA buộc gỡ quảng cáo, bồi thường thiệt hại trên thực tế (nếu chứng minh được thiệt hại) theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015.

____________________________________________________

Trên đây là quan điểm trả lời của Luật Minh Bạch. Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, để được hỗ trợ và tư vấn cụ thể hơn, quý bạn đọc vui lòng liên hệ theo địa chỉ:

Công ty Luật Minh Bạch

Phòng 703, số 272 Khương Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội

Hotline: 1900.6232

Email: luatsu@luatminhbach.vn

Trân trọng!

Trên đây là quan điểm của Luật Minh Bạch về vấn đề trên, bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, để được hỗ trợ và tư vấn cụ thể hơn, quý bạn đọc vui lòng liên hệ trực tiếp:

Trân trọng !

0.0 sao của 0 đánh giá

Bài viết liên quan

Gây tai nạn chết người, gia đình nạn nhân không khởi kiện vẫn bị truy tố TNHS

Câu hỏi: 

Chồng tôi uống rượu say nên trên đường đi làm về đã gây ra tai nạn giao thông làm chết một người đi bộ sang đường ; sau đó gia đình tôi đã gặp gỡ gia đình người bị nạn và đã thực hiện việc bồi thường đầy đủ các chi phí cho họ, gia đình người bị hại cũng có đơn xin không xử lý hình sự đối với chồng tôi.Tôi muốn hỏi trong trường hợp này, chồng tôi có phải chịu trách nhiệm hình sự nữa không ?

Trả lời : 

Cảm ơn bạn đã tin tưởng luật Minh Bạch và gửi câu hỏi về cho chúng tôi, luật sư xin giải đáp thắc mắc cho bạn như sau:

Theo quy định tại Điều 202 Bộ luật hình sự 1999 thì người điều khiển giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, trong khi say rượu hoặc dùng các chất kích thích khác thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

Như vậy theo các quy định trên, chồng của bạn khi gây tai nạn trong tình trạng say rượu là tình tiết định khung hình phạt quy định tại khoản 2 của điều luật nói trên.Mặc dù người gây tai nạn đã bồi thường thiệt hại về vật chất nhưng theo quy định của pháp luật, người đó vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi đã gây ra vì tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ không phải thuộc nhóm các tội phạm chỉ khởi tố theo yêu cầu của người bị hại quy định tại  Khoản 2, Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 như sau : 

“2. Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.”

Việc người gây án đã chủ động bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân sẽ là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đặc biệt khi vụ án được đưa ra xét xử.

Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ hotline 19006232 hoặc qua số điện thoại 0986.931.555 để được tư vấn trực tiếp

 

Thủ tục “Hưởng chế độ thai sản đối với người lao động nhận nuôi con nuôi”

Câu hỏi:

Vợ chồng tôi kết hôn cũng gần 6 năm nay nhưng không có con nên tôi mới nhận 1 bé trai chưa tròn 1 tháng tuổi về làm con nuôi, tôi nghe nói có chế độ hưởng thai sản đối với người lao động nhận nuôi con nuôi, luật sư cho tôi hỏi thủ tục như thế nào để tôi được hưởng chế độ thai sản?

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng công ty luật Minh Bạch và gửi câu hỏi về cho chúng tôi, luật sư xin trả lời tư vấn cho bạn như sau:

Hiện nay pháp luật hiện hành đã có quy định cho người lao động nhận nuôi con nuôi và mang thai hộ. Cụ thể :

Cơ quan thực hiện :  Cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp huyện hoặc cấp tỉnh

Yêu cầu : Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới sáu tháng tuổi phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi nhận nuôi con nuôi

Thành phần hồ sơ : 

– Giấy chứng nhận nuôi con nuôi.

– Danh sách người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản do người sử dụng lao động lập.

Số lượng : 01 bộ hồ sơ

Thời hạn giải quyết : 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ hợp lệ

Trình tự giải quyết :

Bước 1:

Người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ theo quy định cho người sử dụng lao động nhưng không quá 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc.Trường hợp người lao động thôi việc trước thời điểm nhận nuôi con nuôi nộp hồ sơ trực tiếp cho cơ quan bảo hiểm xã hội và xuất trình sổ bảo hiểm xã hội.

Bước 2:

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ thai sản theo quy định này nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

Bước 3:

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người sử dụng lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội phải giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động;

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người lao động thôi việc trước thời điểm nhận nuôi con nuôi, cơ quan bảo hiểm xã hội phải giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động.

Trường hợp cơ quan bảo hiểm xã hội không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Thời gian hưởng chế độ :

Bạn nhận  nuôi bé dưới 06 tháng tuổi nên được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi

Mức hưởng chế độ : Là mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng liền kề gần nhất trước khi nghỉ việc

 

 

 

Vấn nạn “cát tặc” -Chế tài xử lý chưa nghiêm?

Vụ việc

Theo phản ánh của người dân Hải Dương, tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra khoảng 5 năm trở lại đây và có diễn biến theo chiều hướng phức tạp. Chính quyền địa phương bộc lộ rõ sự bất lực. Của đau con xót, người dân đã thành lập các đội tự bảo vệ đất đai trước hoạt động cát tặc. Tuy nhiên hiệu quả của hoạt động tự phát này không được như kỳ vọng và người dân đành chấp nhận chuyển nhượng diện tích đất cho DN với cái giá rẻ như cho không.

Trong quá trình tác nghiệp tại Hải Dương và một số địa phương có tình trạng cát tặc, hầu hết chính quyền và ngành chức năng tại các đây đều kêu ca về chế tài xử lý cát tặc chưa đủ mạnh. Liệu đây có phải là nguyên nhân chính dẫn đến việc không xử lý triệt để vấn nạn “cát tặc” hay không?

agb

Ảnh minh họa

Luật sư Trần Tuấn Anh (giám đốc công ty Luật Minh Bạch) nhận định:

“Tôi” cho rằng đây là lý do không chính đáng, bởi đúng là pháp luật hiện nay, mức phạt đối với hành vi khai thác cát trái phép có thể ở mức khá nhẹ là từ 50-70 triệu đồng đối với một hành vi vi phạm. Tuy nhiên, bên cạnh hình thức xử phạt bằng tiền thì đối tượng khai thác cát trái phép còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu toàn bộ tang vật là khoáng sản; tịch thu phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính và buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là thực hiện các giải pháp phục hồi môi trường khu vực đã khai thác, đưa khu vực khai thác về trạng thái an toàn.

Như vậy, nếu các cấp chính quyền địa phương thực hiện quyết liệt, đúng pháp luật thì cát tặc làm gì có cơ hội để hoành hành. Không lẽ cứ sau mỗi lần vi phạm, bị phạt tiền, bị tịch thu công cụ, phương tiện, bị buộc thực hiện việc phục hồi môi trường thì cát tặc lại đi mua sắm một bộ phương tiện mới để thực hiện tiếp hành vi vi phạm.

Hơn nữa, trong trường hợp đối tượng cố tình vi phạm thì cơ quan chức năng có thể chuyển sang xử lý hình sự về hành vi vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên theo quy định tại Điều 172 BLHS và với tội phạm này, mức hình phạt cao nhất lên đến 10 năm tù, ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là hình phạt tiền từ 50 đến 500 triệu đồng.

Tôi cho rằng, về góc độ chế tài đã có đủ. Chính vì vậy, vấn đề nằm ở chỗ người thực thi pháp luật và cơ quan chính quyền ở địa phương có muốn làm hay không mà thôi.

Tập án lệ đầu tiên của Việt Nam ra đời

Tính đến thời điểm hiện nay đã có 10 án lệ được công bố, bao gồm các án lệ sau:

Án lệ số 1: Quyết định giám đốc thẩm 04/2014/HS-GĐT ngày 16/04/2014 về vụ án giết người

Án lệ số 2: Quyết định giám đốc thẩm 27/2010/DS-GĐT ngày 08/07/2010 về vụ án tranh chấp đòi lại tài sản

Án lệ số 3: Quyết định giám đốc thẩm 208/2013/DS-GĐT ngày 03/05/2013 về vụ án ly hôn

Án lệ số 4: Quyết định giám đốc thẩm 04/2010/QĐ-HĐTP ngày 03/03/2010 về vụ án tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất

Án lệ số 5: Quyết định giám đốc thẩm 39/2014/DS-GĐT ngày 09/10/2014 về vụ án tranh chấp di sản thừa kế

Án lệ số 6: Quyết định giám đốc thẩm 100/2013/GĐT-DS ngày 12/08/2013 về vụ án tranh chấp thừa kế

Án lệ số 7: Quyết định giám đốc thẩm 126/2013/DS-GĐT ngày 23/09/2013 về vụ án dân sự tranh chấp quyền sở hữu, sử dụng nhà

Án lệ số 8: Quyết định giám đốc thẩm 12/2013/KDTM-GĐT ngày 16/05/2013 về vụ án kinh doanh, thương mại tranh chấp về hợp đồng tín dụng

Án lệ số 9: Quyết định giám đốc thẩm 07/2013/KDTM-GĐT ngày 15/03/2013 về vụ án kinh doanh, thương mại tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa

Án lệ số 10: Quyết định giám đốc thẩm 08/2014/HC-GĐT ngày 19/08/2014 về vụ án hành chính khiếu kiện Quyết định bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất

Chuyển từ cơ quan nhà nước sang tư nhân, nghỉ hưu thế nào?

Theo quy định tại điểm 1, Điều 9 Nghị định 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc, thời gian làm việc của người lao động theo tiền lương do Nhà nước quy định thì:

“a) Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 1/1/1995 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

b) Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/1995 đến ngày 31/12/2000 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

c) Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2001 đến ngày 31/12/2006 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 8 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

d) Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2007 đến ngày 31/12/2015 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

đ) Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2016 đến ngày 31/12/2019 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

e) Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2024 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

g) Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2025 trở đi thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian”.

Thời gian làm việc theo tiền lương theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định theo quy định tại điểm 1, Điều 9 Nghị định 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 thì:

Người lao động có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian.

Như vậy, người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội chung của các thời gian, trong đó thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội theo quy định nêu trên căn cứ vào thời điểm bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Thủ tục đăng ký lưu hành sản phẩm trang thiết bị y tế

Theo thông tư 07/2002/TT-BYT hướng dẫn đăng ký lưu hành sản phẩm trang thiết bị y tế và nghị định 36/2016/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế 

Cơ quan thực hiện : Bộ y tế ( Vụ trang thiết bị và công trình y tế)

Điều kiện lưu hành : 

a) Được sản xuất tại cơ sở sản xuất đã công bố đủ điều kiện sản xuất đối với trang thiết bị y tế sản xuất trong nước;

b) Được sản xuất tại cơ sở sản xuất đã được cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn quản lý chất lượng và được lưu hành tại bất kỳ quốc gia nào trên thế giới đối với trang thiết bị y tế nhập khẩu;

c) Phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc tiêu chuẩn mà nhà sản xuất công bố áp dụng.

Hồ sơ bao gồm :

2.1- Đơn đăng ký lưu hành sản phẩm trang thiết bị y tế (Phụ lục số 1, thông tư 07/2002/TT-BYT)

2.2- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh , trong đó có ghi chức năng sản xuất trang thiét bị y tế (bản sao có công chứng).

2.3- Bản công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá hoặc bản công bố hàng hoá phù hợp tiêu chuẩn.

2.4-Kết quả đánh giá thử nghiệm tại ít nhất 03 cơ sở y tế của Việt Nam (tuỳ theo từng loại sản phẩm, Bộ Y tế chỉ định cơ sở y tế để thử nghiệm).

2.5- Kết quả kiểm nghiệm các tính chất hoá, lý và kiểm định độ an toàn của cơ quan chức năng (đối với loại sản phẩm có yêu cầu kiểm nghiệm, kiểm định).

2.6- Tài liệu kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng

2.7- Nhãn sản phẩm theo đúng Quy chế ghi nhận hàng hoá lưu thông trong nước và hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu ban hành kèm theo Quyết định số 178/1999 QĐ-TTg ngày 30/8/1999 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư hướng dẫn thực hiện số 34/1999/TT-BTM ngày 15/12/1999 của Bộ thương mại.

Thời gian thực hiện : 15 ngày kể từ ngày hồ sơ hợp lệ 

 

Tục “cướp vợ, bắt vợ” và các vấn đề pháp lý liên quan

Ngày 4/2, trên mạng xã hội lan truyền video nhóm thanh niên bắt một cô gái về làm vợ tại ngã ba xã Châu Lộc (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An). Mặc dù cô gái đã gào thét, vùng vẫy nhưng nhóm thanh niên quyết không thả.

  1. Thưa Luật sư, trường hợp “cướp vợ, bắt vợ” mà nhóm thanh niên và người chủ mưu có vi phạm pháp luật không ? nếu vi phạm sẽ đối chiếu với điều luật nào ?
  2. Sự việc trên đã đủ để khởi tố vụ án hay không?
  3. Theo Luật sư, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cần làm gì để thức tỉnh, cảnh tỉnh những người có hành vi như trên ?
  4. Được biết, hiện nay rất nhiều địa phương có phong tục “bắt vợ”, nhiều người lợi dụng phong tục để ép các cô gái về làm “vợ”. Vậy theo Luật sư, phong tục này có phù hợp với quy định pháp luật và nếp sống văn minh ngày nay hay không ? Nếu để phong tục này tiếp diễn thì có thể gây nên những hậu quả ra sao, thưa luật sư ?

a

         Ảnh minh họa

Luật sư trả lời:

Trong trường hợp này, hành vi “cướp vợ, bắt vợ” mà nhóm thanh niên thực hiện đối với cô gái ở Nghệ An đã có dấu hiệu của tội phạm hình sự. Cụ thể ở đây là tội bắt, giữ, hoặc giam người trái pháp luật theo quy định tại Điều 123 BLHS 1999 sửa đổi 2009.

Theo đó:

“Điều 123: Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật

  1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
  2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:
  3. a) Có tổ chức;
  4. b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
  5. c) Đối với người thi hành công vụ;
  6. d) Phạm tội nhiều lần;

đ) Đối với nhiều người.

  1. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
  2. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.”

Hành vi của các thanh niên trong clip “bắt vợ” hoàn toàn đủ cấu thành tội phạm.

Thứ nhất, về mặt khách thể tội phạm:

Đây là tội phạm xâm phạm vào quyền bất khả xâm phạm về thân thể, tự do cá nhân của công dân. Qua clip ta có thể thấy được sự ép buộc phải lên xe máy của nhóm thanh niên đối với cô gái trẻ.

Thứ hai, về mặt khách quan tội phạm:

Mặt khách quan được thể hiện ở hành vi bắt giữ hoặc giam người trái pháp luật. Trong trường hợp này, nhóm thanh niên là người không có thẩm quyền, chức năng hoạt động nhà nước và cô gái cũng không phải trường hợp phạm tội quả tang hoặc đang có lệnh truy nã nhưng vì lý do cá nhân (bắt vợ) mà có hành vi bắt người trái phép.

Thứ ba, về chủ thể tội phạm:

Nhóm thanh niên có hành vi “cướp vợ, bắt vợ” (đủ 16 tuổi và có đủ năng lực TNHS).

Thứ tư, mặt chủ quan tội phạm:

Đây là tội phạm thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp (thể hiện qua hành vi giữ tay chân, ép buộc cô gái lên xe gắn máy).

Như vậy, với hành vi như diễn ra trong clip, nhóm thanh niên đã bắt người trái pháp luật khi có hành vi dùng vũ lực như trói, khóa tay hoặc đe dọa dùng vũ lực buộc cô gái phải lên xe máy đến nơi theo ý chý của họ thì hành vi này hoàn toàn đủ cấu thành tội bắt, giữ, hoặc giam người trái pháp luật theo quy định tại Điều 123 BLHS 1999 sửa đổi 2009.

Ngoài ra, nếu hành vi bắt, giữ người trái pháp luật của nhóm thanh niên mà gây ra thương tích hoặc tổn hại sức khỏe cho cô gái thì còn có thể truy tố về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác.

Căn cứ vào mức độ nghiêm trọng và các tình tiết liên quan khác thì cơ quan điều tra sẽ tiến hành khởi tố vụ án theo đúng quy định pháp luật.

          * Ý kiến cá nhân về phong tục “bắt vợ, cướp vợ”

Phong tục bắt vợ hay bắt chồng thường diễn ra ở môt số vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây được coi là một nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc trên. Tuy nhiên, với xã hội tiên tiến, văn minh như hiện nay, cá nhân tôi cho rằng, phong tục này chỉ nên được giữ lại theo “hình thức”. Tức là khi tiến hành “bắt vợ, cướp vợ” thì hai bên đã có sự đồng thuận, chỉ coi hành vi này như một nét đẹp nhằm bảo toàn văn hóa và truyền thống của dân tộc.

Phong tục này nếu diễn ra mà không có biểu hiệu thể hiện sự đồng ý của các bên liên quan thì người thực hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật theo quy định Điều 123 BLHS hiện hành quy định về hành vi bắt giữ người trái pháp luật  và dẫn tới các hậu quả pháp lý nghiêm trọng.

Hơn thế nữa, hiện nay Luật hôn nhân gia đình cũng đã quy định một cách cụ thể chi tiết về chế độ hôn nhân tại Việt Nam và công dân Việt Nam bất kể tôn giáo, dân tộc phải tuân thủ theo quy định của Luật.

Chính vì thế, chính quyền quản lý các cấp và các ban ngành có thẩm quyền phải tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đặc biệt là cho các dân tộc thiểu số để mọi người có thể hiểu và tuân thủ các quy định của pháp luật. Từ đó loại bỏ và cải tiến một số hủ tục, đảm bảo các nét văn hóa truyền thống được lưu giữ trong khuôn khổ của pháp luật.

Công ty Luật Minh Bạch

Mẫu bản kiến nghị của người có quyền, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hành chính

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Ngọc Lặc, ngày 21 tháng 08 năm 2018

 

BẢN KIẾN NGHỊ

Của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan

 

                                             Kính gửi:  TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

 

Tên tôi là: NGUYỄN THANH BÌNH                               Sinh năm: 1960

CMND số: 171216968 do Công an tỉnh Thanh Hóa cấp ngày 04 tháng 09 năm 2006

Địa chỉ: Số nhà 776 phố Lê Lai, thị trấn Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa.

Điện thoại liên hệ: ……………………

Ngày 13 tháng 08 năm 2018, tôi có nhận được Thông báo về việc thụ lý vụ án số 74/2018/TLST-HC ngày 08 tháng 08 năm 2018 của Toà án nhân dân tỉnh Thanh Hóa. Nội dung thông báo cho tôi về việc ông Nguyễn Mạnh Thường đã khởi kiện vụ án hành chính về việc yêu cầu hủy GCN quyền sử dụng đất số BU349122 do UBND huyện Ngọc Lặc cấp ngày 25 tháng 03 năm 2014 mang tên Nguyễn Thanh Bình. Như vậy, trong vụ án này tôi là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Vụ án được thụ lý theo thủ tục thông thường.

Vậy sau đây tôi xin trình bày ý kiến của mình đối với yêu cầu của người khởi kiện để quý Toà án có căn cứ giải quyết vụ án một cách toàn diện, trung thực, khách quan và đúng pháp luật. Cụ thể như sau:

  1. Thông báo thụ lý vụ án số: 74/2018/TLST-HC ngày 08 tháng 08 năm 2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa về việc “Hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” số BU349122 mang tên tôi theo yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Mạnh Thường. Theo đó, tôi là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án tuy nhiên danh sách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong Thông báo thụ lý vụ án trên không có tên tôi. Vì vậy, đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa bổ sung, xác định tư cách tham gia tố tụng của tôi trong vụ án này là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
  2. Căn cứ điểm a, khoản 1 Điều 73 và khoản 7, khoản 8 Điều 70 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, tôi có quyền “Đề nghị Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ của vụ việc mà tự mình không thể thực hiện được; đề nghị Tòa án yêu cầu đương sự khác xuất trình tài liệu, chứng cứ mà họ đang giữ;” và có quyền “Được biết, ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ do đương sự khác xuất trình hoặc do Tòa án thu thập”. Vì vậy, đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa cho phép tôi được ghi chép, sao chụp tài liệu do các đương sự khác xuất trình để xây dựng bản trình bày ý kiến được toàn diện, đầy đủ và khách quan.

Trên đây là những ý kiến của tôi về vụ án này. Kính mong quý Toà án xem xét và giải quyết để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng cho tôi.

Trân trọng cảm ơn!

 

NGƯỜI LÀM ĐƠN

 

Nguyễn Thanh Bình

 

____________________________________________________________________________________________

Trên đây là quan điểm của Luật Minh Bạch, bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, để được hỗ trợ và tư vấn cụ thể hơn, quý bạn đọc vui lòng liên hệ theo địa chỉ:

Công ty Luật Minh Bạch

Phòng 703, số 272 Khương Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội

Hotline: 1900.6232

Email: luatsu@luatminhbach.vn

Trân trọng!

Bài viết cùng chủ đề

Bài viết mới nhất

video tư vấn

dịch vụ tiêu biểu

Bài viết xem nhiều

dịch vụ nổi bật