Mua tài sản do người khác trộm cắp mà có thì bị xử lý thế nào?
Câu hỏi :
Tôi là cửa hàng mua bán điện thoại, hôm đó có 1 anh khách lạ đến bán điện thoại cho tôi và tôi thấy điện thoại còn mới hỏi sao bán thì anh nói với tôi là được cho không dùng đến nên bán. Hôm sau tôi bị công an địa phương đến làm việc và triệu tập tôi lên làm việc về tội tiêu thụ tài sản do trộm cắp mà có. Luật sư cho tôi hỏi trong trường hợp này tôi có phạm tội không và sẽ bị xử lý như thế nào?
Trả lời:
Cảm ơn bạn đã tin tưởng Luật Minh Bạch và gửi câu hỏi về cho chúng tôi, luật sư chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau :
Tại Khoản 1 Điều 250 BLHS quy định: “Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.
Hướng dẫn chi tiết điều luật trên, tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 1 Thông tư liên tịch số 09/2011/TTLT ngày 30/11/2011 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, VKSND tối cao và TAND tối cao hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật hình sự về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và tội rửa tiền (sau đây viết tắt là Thông tư số 09) có quy định như sau:
“1. “Tài sản do người khác phạm tội mà có” là tài sản do người phạm tội có được trực tiếp từ việc thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: tài sản chiếm đoạt được, tham ô, nhận hối lộ…) hoặc do người phạm tội có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ việc họ thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: xe máy có được từ việc dùng tiền tham ô để mua).
- “Biết rõ tài sản là do người khác phạm tội mà có” là có căn cứ chứng minh biết được tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội hoặc có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội.”
Cấu thành cơ bản của tội chứa chấp, tiêu thụ tài sản được quy định tại Khoản 1 Điều 250 BLHS với nội dung: “Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.
– Mặt khách thể và đối tượng tác động của tội phạm
Khách thể chung của tội chứa chấp, tiêu thụ tài sản là trật tự công cộng và trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa và khách thể trực tiếp là trật tự quản lý Nhà nước đối với tài sản do phạm tội mà có, gây ảnh hưởng xấu đến công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm. Cho nên, đối tượng tác động của tội này là tài sản do người khác phạm tội mà có. Do đó, nếu một người chứa chấp, tiêu thụ tài sản của một người nhưng tài sản đó không phải do phạm tội mà có thì hành vi chứa chấp, tiêu thụ của họ không cấu thành tội này.
– Mặt khách quan của tội phạm
Điều luật chỉ quy định “người nào … chứa chấp, tiêu thụ tài sản …” mà không liệt kê những hành vi nào được xem là hành vi chứa chấp, tiêu thụ.
Tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 2 Thông tư số 09 quy định: “chứa chấp tài sản là một trong các hành vi sau đây: cất giữ, che giấu, bảo quản tài sản; cho để nhờ, cho thuê địa điểm để cất giữ, che dấu, bảo quản tài sản đó” và “tiêu thụ tài sản là một trong các hành vi sau đây: mua, bán, thuê, cho thuê, trao đổi, cầm cố, thế chấp, đặt cọc, ký gửi, cho, tặng, nhận tài sản hoặc giúp cho việc thực hiện các hành vi đó”.
Tuy nhiên, hành vi chứa chấp chỉ thuộc hành vi khách quan của tội này khi người thực hiện hành vi chứa chấp nhận tài sản từ người phạm tội. Nếu như người thực hiện hành vi chứa chấp không nhận tài sản từ người phạm tội thì hành vi của họ không phạm tội này mà có thể phạm tội khác được quy định trong Bộ luật hình sự.
– Mặt chủ quan của tội phạm
Điều luật quy định “người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có…” nên đã thể hiện rõ lỗi của người phạm tội là cố ý trực tiếp. Tuy nhiên, để làm rõ thuật ngữ “biết rõ” cũng không phải là vấn đề đơn giản. Theo hướng dẫn tại Khoản 2 Điều 1 Thông tư số 09 thì biết rõ tài sản là do người khác phạm tội mà có “là có căn cứ chứng minh biết được tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội hoặc có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội”.
– Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội này là chủ thể thường, tức người nào có đầy đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi do luật định thì đáp ứng về mặt chủ thể đối với loại tội này. Điều luật quy định 04 khung hình phạt khác nhau: đến 3 năm tù (Khoản 1); đến 7 năm tù (Khoản 2); đến 10 năm tù (Khoản 3) và đến 15 năm tù (Khoản 4). Cho nên người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi chỉ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi có hành vi thuộc một trong các tình tiết định khung được quy định tại Khoản 3 và Khoản 4; còn người từ đủ 16 tuổi trở lên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của các khung từ Khoản 1 đến Khoản 4.
Ngoài các hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị áp dụng thêm hình phạt bổ sung được quy định tại khoản 5 Điều 250 BLHS là “phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản hoặc một trong hai hình phạt này”.
Như vậy, theo quy định của pháp luật này có thể thấy người chứa chấp tài sản do phạm tội mà có phải xác định trường hợp người này phải biết rõ tài sản này là tài sản trộm cắp nhưng bản thân bạn hoàn toàn không hề biết. Do đó bạn hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi quy định của Bộ luật hình sự.
Tuy nhiên, do bạn là bên thứ 3 không ngay tình bởi đây là tài sản bắt buộc phải có giấy tờ theo quy định của Bộ luật dân sự cho nên bên bị thiệt hại hoàn toàn có quyền yêu cầu bạn trả trả lại tài sản trộm cắp đó.
Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ qua hotline 19006232 để được giải đáp
Trân trọng!
Công ty Luật hợp danh Minh Bạch
Phòng 703, Tầng 7, số 272 Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội
Hotline : 19006232
Email: luatsu@luatminhbach.vn