Hotline tư vấn: 0243 999 0601
Tư vấn qua email: info@luatminhbach.vn

Hoàn thuế GTGT 2016

Bộ Tài chính ban hành Công văn 13804/BTC-TCT về việc quản lý hoàn thuế GTGT các tháng cuối năm 2016.

hoanthue

Ảnh minh họa (internet)

Theo đó, Bộ yêu cầu các cục Thuế thực hiện nghiêm túc quy định về hoàn thuế GTGT; cụ thể, không thực hiện hoàn thuế đối với:

– Hàng hóa xuất khẩu không thực hiện XK tại địa bàn hoạt động hải quan, hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu.

– Hàng hóa xuất khẩu là sản phẩm tài nguyên, khoáng sản (TNKS) khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác hoặc được chế biến có tổng trị giá TNKS và chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản xuất trở lên;

– Dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh không góp đủ vốn điều lệ như đã đăng ký; kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện khi chưa đủ các điều kiện kinh doanh theo quy định.

 

Thêm vào đó, Công văn 13804/BTC-TCT  hướng dẫn các trường hợp không được hoàn thuế GTGT đối với trường hợp người nộp thuế có số thuế GTGT đầu vào lũy kế 12 tháng/4 quý liên tục chưa được khấu trừ hết.

0.0 sao của 0 đánh giá

Bài viết liên quan

Điều 129 Bộ luật dân sự 2015

Điều 129. Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức

Giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu, trừ trường hợp sau đây:

1. Giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó.

2. Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực

Hành vi “xâm phạm đê điều” qua góc nhìn pháp lý. Có truy cứu trách nhiệm hình sự ?

Vụ việc

Nhiều km đê sông Thái Bình của tỉnh Hải Dương bị xâm phạm bởi hoạt động khai thác đất bãi trái phép gây ra hiện tượng sụt lún, sạt lở thậm chí mất nhiều tuyến đê. Nhiều diện tích đê sông gần như mất trắng khó có khả năng phục hồi.

Từ ngày 01/01/2007 Luật đê điều 2006 của nước ta đã có hiệu lực thi hành, vậy quy định cụ thể về trách nhiệm đối với chính quyền địa phương trong việc bảo vệ đê điều là thế nào? Chế tài đối với hành động xâm phạm đê điều được pháp luật quy định ra sao?

de-dieu

Ảnh minh họa

Luật sư Trần Tuấn Anh (giám đốc công ty Luật Minh Bạch) trả lời:

Luật đê điều đã có từ năm 2006 và có hiệu lực từ đầu năm 2007, trong Luật này cũng đã quy định rất cụ thể về trách nhiệm bảo vệ đê điều, không những là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, của chính quyền địa phương mà còn là nghĩa vụ của mọi công dân. Nói như vậy để chúng ta có thể thấy được Đảng và Nhà nước ta ý thức rất rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ đê điều trong hoạt động điều hành kinh tế, xã hội của đất nước. Bởi khi gặp sự cố về đê điều thì thường gây ra hậu quả rất lớn đối với đời sống kinh tế, xã hội nói chung và tính mạng, sức khỏe, tài sản của từng công dân.

Chính vì vậy, Luật Đê điều năm 2006 ngoài việc giao trách nhiệm thống nhất về quy hoạch, quản lý đê điều cho Chính phủ, mà cơ quan tham mưu trực tiếp là Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn thì cũng đã thành lập một bộ phận chuyên trách để quản lý đê điều tại từng địa phương. Cụ thể trách nhiệm này được giao cho “Hạt quản lý đê”,  là đơn vị của Chi cục Quản lý đê điều và Phòng, chống lụt, bão thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp tỉnh; có trụ sở làm việc, có con dấu và tài khoản riêng.

Hạt quản lý đê có thể có chức năng quản lý đê điều trong phạm vi một huyện hoặc liên huyện.

Lực lượng này có chức năng trực tiếp quản lý và bảo vệ đê điều, từ đê cấp III đến đê cấp đặc biệt.

Đối với các tuyến đê cấp IV, cấp V; tuyến đê và công trình phân lũ, làm chậm lũ việc tổ chức quản lý do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

Như vậy, chức năng chính về quản lý đê điều tại địa phương là thuộc trách nhiệm của UBND cấp tỉnh.

Ngoài lực lượng chuyên nghiệp trong quản lý đê nêu trên thì pháp luật về đê điều còn quy định chi tiết về “Lực lượng quản lý đê nhân dân”. Lực lượng này  do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập, không thuộc biên chế nhà nước, được tổ chức theo địa bàn từng xã, phường ven đê và do Ủy ban nhân dân cấp xã trực tiếp quản lý.

Lực lượng này có nhiệm vụ phối hợp với lực lượng chuyên trách quản lý đê điều trong việc thường xuyên kiểm tra, tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều thuộc địa bàn, tham gia xử lý sự cố đê điều; được hướng dẫn kỹ thuật, nghiệp vụ về đê điều, được hưởng thù lao.

Đối với xử vi phạm về đê điều, Luật Đê điều và Nghị định số: 113/2007/NĐ-CP quy định cụ thể: “Tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đê điều thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”. Cụ thể:

Đối với chế tài hành chính, thì mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về khai thác và bảo vệ đê điều là 100.000.000 đồng đối với cá nhân vi phạm và mức phạt tối đa sẽ là 200.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi vi phạm (NĐ số: 139/2013/NĐ-CP)

Trong trường hợp người thực hiện hành vi vi phạm về chính sách đê điều gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, tại Bộ luật Hình sự hiện hành chưa có điều luật nào quy định riêng biệt, cụ thể về Tội xâm phạm hoạt động đê điều. Đây chính là nguyên nhân tại sao chưa có hành vi xâm phạm đê điều nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Bởi nếu muốn xử lý thì lại phải áp dụng điều luật liên quan đến hủy hoại tài sản của Nhà nước.

Tuy nhiên, đến Bộ luật Hình sự năm 2015 thì đã bổ sung hành vi xâm phạm đê điều thành một tội phạm riêng biệt tại Điều 238 BLHS với mức hình phạt cao nhất lên đến 10 năm tù. Tôi cho rằng, điều này là cần thiết và thể hiện sự trừng phạt nghiêm khắc của Nhà nước đối với hành vi xâm phạm hoạt động đê điều hiện nay.

 

Vụ cướp bánh mì: hai thiếu niên được miễn truy cứu TNHS

Vụ cướp bánh mì: hai thiếu niên được miễn truy cứu TNHS

cuopbanhmi

Ảnh internet

Ngày 15/9, Tòa Gia đình và người chưa thành niên – TAND TP HCM xử phúc thẩm, chấp nhận quan điểm của VKS và luật sư bào chữa, tuyên miễn trách nhiệm hình sự cho Ôn Thành Tân (ngụ quận 9), Nguyễn Hoàng Tuấn (18 tuổi, ngụ huyện Củ Chi) về tội Cướp giật tài sản.

Theo HĐXX, hành vi của Tân và Tuấn đã cấu thành tội Cướp giật tài sản. Tuy nhiên, khi phạm tội hai bị cáo chưa thành niên, chưa nhận thức đầy đủ hành vi của mình; giá trị tài sản không lớn, động cơ phạm tội vì đói, tính nguy hiểm không cao… “Việc miễn trách nhiệm hình sự là thể hiện sự khoan hồng của pháp luật, chứ không phải lỗi oan sai của cơ quan tố tụng”, bản án nêu.

HĐXX tuyên miễn trách nhiệm hình sự cho hai thiếu niên.

Đại diện VKS và cả luật sư của các bị cáo đều nhận định “hành vi của Tân và Tuấn đã cấu thành tội Cướp giật tài sản” nhưng 2 bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên đề nghị HĐXX miễn trách nhiệm hình sự.

Theo án sơ thẩm, trong thời gian tại ngoại để điều tra về hành vi trộm cắp tài sản, Tuấn bỏ nhà đi lang thang. Khuya 17/10/2015, Tuấn gặp Tân, cả hai cùng chơi Internet đến sáng rồi rủ nhau đến nhà hàng ở quận Thủ Đức kiếm việc làm.

Trên đường đi cả hai đói bụng, không còn tiền nên bàn cách vờ hỏi mua đồ ăn rồi bỏ chạy. Trưa hôm đó, Tân chở Tuấn đến tiệm tạp hóa trên đường Tô Vĩnh Diện (quận Thủ Đức) hỏi mua bịch chuối sấy, ổ bánh mì ngọt và 3 bịch me. Chủ quán bỏ vào túi đưa cho Tuấn thì cậu ta giật phăng rồi tăng ga bỏ chạy. Cả hai bị người dân đuổi bắt giao công an. Số hàng bị cướp có giá trị 45.000 đồng.

Lúc thực hiện hành vi, hai thiếu niên này mới 17 tuổi. VKSND quận Thủ Đức đã truy tố các bị cáo về tội Cướp giật tài sản với khung hình phạt cao nhất lên tới 10 năm tù. TAND cùng cấp sau đó trả hồ sơ điều tra thêm. Hồi cuối tháng 7, TAND quận Thủ Đức tuyên phạt Tân và Tuấn 8-10 tháng tù về tội Cướp giật tài sản.

TAND Tối cao sau đó chỉ đạo các cơ quan tố tụng TP HCM xem xét lại toàn bộ vụ án, giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. VKSND TP HCM ra kháng nghị, luật sư và người đại diện cho các bị cáo cũng kháng cáo xin miễn trách nhiệm hình sự.

Hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội buôn lậu

Quy định pháp luật

Tội buôn lậu được Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định như sau:

“Điều 188. Tội buôn lậu

1. Người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Vật phạm pháp là di vật, cổ vật.

6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa mà đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, trừ trường hợp quy định tại điểm đ khoản này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 7.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

đ) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

e) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.”

Như vậy, tội buôn lậu được hiểu là hành vi buôn bán trái phép hàng hóa, tiền tệ, kim khí quý, đá quý, di vật, cổ vật qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại.

Pháp nhân phạm tội buôn lậu có thể “đi tù”

Dấu hiệu pháp lý của tội phạm

1. Khách thể của tội phạm
– Hành vi buôn lậu xâm phạm đến chính sách quản lý về ngoại thương và an ninh biên giới của nhà nước. Bảo vệ chính sách ngoại thương của nhà nước nhằm đảm bảo việc xuất nhập khẩu hàng hóa phù hợp với đường lối phát triển kinh tế của Việt Nam, tạo sự thuận lợi cho sản xuất trong nước cũng như đảm bảo trật tự an toàn khu vực biên giới.
– Đối tượng của hành vi buôn lậu có thể bao gồm:
+ Các loại hàng hóa nói chung, không bao gồm các loại hàng cấm. Đây là điểm khác biệt căn bản giữa quy định tội buôn lậu tại Điều 188 BLHS năm 2015 và Điều 153 BLHS năm 1999. Hàng hóa là đối tượng tác động của hành vi buôn lậu theo quy định BLHS năm 1999 có thể bao gồm các loại hàng cấm, ngoại trừ các loại hàng cấm đặc biệt đã được coi là đối tượng của các tội phạm khác thi không thuộc đối tượng hàng hóa trong tội buôn lậu. Ví dụ như vũ khí quân dụng, ma túy,.. nếu có hành vi buôn bán trái phép qua biên giới thì xử lý theo các tội phạm tương ứng.
Theo Điều 188 BLHS, đối tượng của tội buôn lậu bao gồm:
+ Các loại tiền bao gồm tiền Việt Nam, ngoại tệ (như USD, EURO,…)
+ Các loại kim khí quý, đá quý như vàng, kim cương, đồng đen, đá đỏ,…
+ Di vật, cổ vật theo quy định của Luật di sản văn hóa 2001, sửa đổi bổ sung năm 2009. Đối tượng di vật, cổ vật là những đối tượng tác động mới được bổ sung vào quy định tội phạm buôn lậu trong BLHS năm 2015.
2. Mặt khách quan của tội phạm
– Hành vi khách quan của tội phạm
Người phạm tội có hành vi buôn bán trái phép qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại các loại mặt hàng nêu trên, cụ thể:
+ Người phạm tội có hành vi bán hàng hóa hoặc mua hàng hóa một cách trái phép qua biên giới nhằm bán lại thu lợi bất chính.
Việc buôn bán trái phép thể hiện qua hành vi mua, bán các loại hàng hóa nêu trên qua biên giới quốc gia hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái với quy định của nhà nước thông qua các thủ đoạn như sử dụng giấy tờ giả mạo để xuất, nhập hàng hóa hoặc xuất, nhập hàng hóa không đúng với nội dung cho phép,… nhằm tới việc thu được lợi nhuận bất chính. Trường hợp người vận chuyển thuê qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại mà nhận biết rõ mục đích của người thuê là buôn bán kiếm lời thì bị coi là đồng phạm tội buôn lậu.
+ Dấu hiệu bắt buộc phải xác định là buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại.
Tội buôn lậu (Điều 153 BLHS năm 1999) trước đây chỉ nêu dấu hiệu “qua biên giới”. Theo đó, biên giới có thể được hiểu là các loại biên giới trên đường bộ, đường biển, đường hàng không, qua bưu điện,… Tuy nhiên, dấu hiệu này được mở rộng hơn trong quy định về tội buôn lậu tại Điều 188 BLHS năm 2015, hàng hóa buôn bán trái phép là đối tượng của tội buôn lậu phải kèm theo dấu hiệu “qua biên giới” hoặc “từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại”.
Khu phi thuế quan được hiểu là khu vực kinh tế nằm trong lãnh thổ Việt Nam, được thành lập theo quy định của pháp luật, có ranh giới địa lý xác định, ngăn cách với khu vực bên ngoài bằng hàng rào cứng, bảo đảm điều kiện cho hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan của cơ quan Hải quan và các cơ quan có liên quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và phương tiện, hành khách xuất cảnh, nhập cảnh; quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa giữa khu phi thuế quan với bên ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu (khoản 1 Điều 4 Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu năm 2016).
Việc mở rộng dấu hiệu trên xuất phát từ thực tiễn xét xử tội phạm buôn lậu. Ngoài những trường hợp buôn bán trái phép thông thường bằng những thủ đoạn gian dối, trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan hải quan tại cửa khẩu biên giới trên bộ, cảng biển,… thì còn xuất hiện những trường hợp buôn lậu hàng hóa dưới hình thức hàng hóa tạm nhập – tái xuất, hàng chờ xuất khẩu hoặc chờ nhập khẩu vào Việt Nam. Đây là những loại hàng hóa phải làm thủ tục hải quan theo quy định của nhà nước.
Kho ngoại quan là một trong những khu vực thuộc khu phi thuế quan theo định nghĩa tại khoản 1 Điều 4 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016. Do vậy, đảm bảo cơ sở rõ ràng, thống nhất cho việc xử lý những trường hợp này, BLHS 2015 đã mở rộng phạm vi dấu hiệu của tội buôn lậu so với quy định BLHS năm 1999.
Hành vi buôn lậu được coi là tội phạm trong các trường hợp sau đây:
+ Hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các Điều 189 (tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới); Điều 190 (tội sản xuất, buôn bán hàng cấm); Điều 191 (tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm); Điều 192 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả); Điều 193 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm); Điều 194 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh); Điều 195 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi); Điều 196 (tội đầu cơ); Điều 200 (tội trốn thuế) hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì cũng bị coi là tội phạm.

Hành vi buôn bán trái phép hàng hóa qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại, nếu thuộc trường hợp quy định tại các điều 248, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 304, 305, 306, 309, 311 BLHS 2015 thì người phạm tội bị truy cứu TNHS về các tội phạm quy định tại các điều luật tương ứng nêu trên mà không bị xét xử về tội buôn lậu.

+ Đối với các di vật, cổ vật thì không bắt buộc phải xác định giá trị cụ thể, mọi hành vi buôn bán trái phép các vật phẩm là di vật, cổ vật đều có thể bị coi là tội phạm, trừ các trường hợp được xem xét đánh giá là tính chất nguy hiểm không đáng kể thì không bị coi là tội phạm (khoản 2 Điều 8 BLHS 2015).

– Thời điểm tội phạm hoàn thành trong tội buôn lậu:

Xung quanh việc xác định thời điểm hoàn thành của tội buôn lậu, có quan điểm cho rằng: chỉ cần có căn cứ để xác định hàng hóa hàng sẽ được đưa qua biên giới, qua khỏi khu phi thuế quan thì tội buôn lậu đã hoàn thành. Nhưng cũng có quan điểm cho rằng tội buôn lậu chưa cấu thành tội phạm khi hàng hóa chưa đưa qua được biên giới hay khu phi thuế quan.

Với cách quy định yếu tố “qua biên giới” tại Điều 188 BLHS năm 2015, Luật Minh Bạch cho rằng quan điểm thứ nhất có phần hợp lý và mang lại hiệu quả thực tiễn khi xét xử tội phạm về buôn lậu. Bởi thủ đoạn của người phạm tội buôn lậu rất đa dạng thậm chí rất tinh vi dẫn đến những khó khăn trong việc xác định hàng hóa đó đã qua biên giới hay chưa. Bên cạnh đó, về phía các cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam, việc xử lý hình sự khi người buôn lậu đã vận chuyển trái phép hàng hóa khi đã vượt qua khỏi biên giới Việt Nam cũng không hề dễ dàng do người phạm tội không còn trên lãnh thổ Việt Nam. Việc xử lý cần đến sự tương trợ tư pháp của quốc gia nơi người phạm tội vận chuyển hàng hóa đến nơi đó.

Tuy nhiên, để thống nhất đường lối xét xử, cơ quan có thẩm quyền cần kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn về thời điểm tội phạm hoàn thành trong buôn lậu để có căn cứ chính xác nhất.

Còn đối với hành vi phạm tội của pháp nhân thương mại thì được xác định thông qua hành vi của người đại diện cho pháp nhân hoặc người được pháp nhân ủy quyền với điều kiện quy định tại Điều 75 BLHS 2015.

3. Chủ thể của tội phạm

Pháp nhân thương mại có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận, lợi nhuận được chia cho các thành viên và được thành lập, hoạt động và chấm dứt tuân thủ theo quy định của Bộ luật dân sự 2015, Luật doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.

4. Mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi của pháp nhân thương mại phạm tội được xem xét trên khía cạnh hành vi cá nhân của người thành lập, người đại diện theo pháp luật hoặc người được pháp nhân ủy quyền có lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận biết rõ việc buôn bán qua biên giới là trái phép nhưng vi động cơ, mục đích kiếm lợi bất chính nên vẫn thực hiện.

Hình phạt

Điều 188 BLHS năm 2015 quy định tội buôn lậu với hình phạt tương đối nghiêm khắc so với quy định tại Điều 153 BLHS năm 1999. Quy định về hình phạt tại Điều 188 BLHS 2015 nhìn chung có nhiều thay đổi tập trung vào một số nội dung: Sửa đổi, bổ sung các tình tiết định khung hình phạt, lượng hóa các tình tiết vật phạm pháp có số lượng lớn/ rất lớn/ đặc biệt lớnthu lợi bất chính lớn/ rất lớn/ đặc biệt lớn qua giá trị bằng tiền, loại bỏ tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng/ rất nghiêm trọng/ đặc biệt nghiêm trọng; nâng mức phạt tiền và điểm đáng chú ý là bổ sung quy định hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Cụ thể:

– Tại khoản 6 Điều 188 BLHS năm 2015 quy định TNHS đối với pháp nhân thương mại:

Pháp nhân thương mại phạm tội là hành vi phạm tội của người đại diện, nhân danh pháp nhân, được sự chấp thuận của pháp nhân và vì lợi ích pháp nhân theo quy định của Điều 75 BLHS năm 2015.

+ Pháp nhân thương mại khi thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tê, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; hàng hóa trị giá dưới 200.000.000 đồng nhưng là di vật, cổ vật; hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

+ Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, h và i khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

+ Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng;

+ Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 7.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

+ Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

+ Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Như vậy, trách nhiệm hình sự được đặt ra đối với pháp nhân thương mại khi phạm tội buôn lậu có thể từ phạt tiền, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, cấm huy động vốn cho tới đình chỉ hoạt động có thời hạn, thậm chí là đình chỉ hoạt động vĩnh viễn tùy theo tính chất, quy mô mà mức độ nghiêm trọng của tội phạm.

____________________________________________________________________________________________

Trên đây là quan điểm của Luật Minh Bạch, bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, để được hỗ trợ và tư vấn cụ thể hơn, quý bạn đọc vui lòng liên hệ theo địa chỉ:

Công ty Luật Minh Bạch

Phòng 703, số 272 Khương Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội

Hotline: 1900.6232

Email: luatsu@luatminhbach.vn

Trân trọng!

“lái xe muốn đâm chết hẳn để tránh trách nhiệm trợ chấp tàn tật cho nạn nhân” trách nhiệm pháp lý và bồi thường?

Câu hỏi:

Từ một số vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra, nhiều người đã đặt ra câu hỏi là phải chăng đang có kẽ hở về mặt luật pháp khiến lái xe muốn đâm chết hẳn nạn nhân để tránh trách nhiệm phải trợ cấp tàn tật cho nạn nhân lâu dài…  Để hạn chế những vụ tai nạn không đáng có vì những hành động thiếu hiểu biết, vô ý thức của người dân, và thậm chí là của cơ quan, đơn vị, theo Luật sư cần có những thay đổi như thế nào về mặt luật pháp?

Người gửi câu hỏi: N.A.H – Hoài Đức – Hà Nội.

rủi ro mua xe

Ảnh minh họa

Luật sư trả lời:

Cám ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Luật Minh Bạch!

Về câu hỏi của bạn, chúng tôi xin được giải đáp như sau:

Với thực tế làm nghề của tôi thì tôi không cho là có trường hợp người “lái xe muốn đâm chết hẳn nạn nhân để tránh trách nhiệm trợ chấp tàn tật cho nạn nhân lâu dài” như một số thông tin mà dư luận hay báo chí đã đưa trong thời gian vừa qua. Tôi đã tìm hiểu và nghiên cứu về tâm lý tội phạm, cũng như tiếp xúc trực tiếp khá nhiều người đã từng gây ra tai nạn nghiêm trọng dẫn đến hậu quả chết người thì mọi người đều phân tích rằng, trong lúc đó, do sự hoảng loạn tâm lý vì gây ra tai nạn nghiêm trọng nên dẫn đến mất kiểm soát về mặt hành vi và thực hiện một số thao tác điều khiển phương tiện giao thông không chuẩn và hậu quả có thể làm nặng hơn tình trạng của người bị nạn, chứ họ hoàn toàn không có ý muốn cố tình gây ra cái chết cho nạn nhân. Bởi với người điều khiển phương tiện giao thông, đặc biệt là những người chuyên làm vận tải thì việc gây ra tai nạn chết người sẽ để lại những hậu quả rất lớn về mặt pháp lý, tài chính cũng như tâm lý của những người chủ xe cũng như lái xe.

Còn về mặt pháp lý thì nếu trường hợp gây tai nạn chết người với lỗi vô ý thì người lái xe chỉ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm quy định tại Điều 202 Bộ luật Hình sự về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Còn trong trường hợp cơ quan điều tra xác định được người điều khiển phương tiện cố tình đâm chết nạn nhân để tránh phải trợ cấp thì rất có thể sẽ bị chuyển tội danh thành tội Giết người với tình tiết tăng nặng là vì động cơ đê hèn và mức hình phạt của hành vi này cao nhất là tử hình.

Tôi thiết nghĩ, để hạn chế và tiến tới ngăn chặn có hiệu quả các hành vi vi phạm nêu trên thì chúng ta phải tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến từng người dân bởi những hành vi vi phạm pháp luật nêu trên thường xuất phát từ sự thiếu hiểu biết pháp luật hoặc nhận biết pháp luật còn hạn chế. Kết hợp với các biện pháp phát thanh trên loa truyền thanh, qua các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan báo chí thì các cơ quan tư pháp có thể thực hiện thông qua hình thức các phiên tòa giả định hay tổ chức các phiên tòa lưu động, xét xử các bị cáo ngay tại địa điểm thường xuyên xảy ra các vụ việc trên để người dân có thể nhận thức sâu hơn về pháp luật, cũng như thấy được hậu quả pháp lý do những hành vi tưởng chừng vô hại của mình gây ra.

Ngoài ra, chúng ta cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra đối với các hoạt động xây dựng dễ gây ra nguy hiểm cho những người xung quanh. Sử dụng các biện pháp buộc các chủ đầu tư, các đơn vị thi công phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp đảm bảo an toàn lao động, an toàn trong thi công công trình. Buộc đơn vị thi công phải tính chi phí về bảo đảm an toàn lao động, an toàn thi công vào dự toán công trình và thành lập các tổ, đội được đào tạo, tập huấn trong vấn đề an toàn lao động để dành riêng cho việc đảm bảo an toàn khi thi công công trình. Trong trường hợp có các vi phạm phát sinh thì phải ngay lập tức phải được xử lý một cách quyết liệt và thích đáng. Trong trường hợp có dấu hiệu của tội phạm thì các cơ quan có thẩm quyền phải nhanh chóng khởi tố vụ án, khởi tố bị can để làm rõ hành vi phạm tội và có các biện pháp xử lý đủ sức răn đe và giáo dục để làm gương cho người khác.

Trân trọng!

Quy định mới về việc chứng thực

Ngày 26/5/2016, Công văn 842/HTQTCT-CT  đã được ban hành bởi Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực về việc quán triệt thực hiện các quy định về chứng thực.

dau-chung-thuc-e1428045206807

Ảnh minh họa

Theo công văn này, đề nghị Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thông báo đến các cơ quan thực hiện chứng thực một số nội dung sau:

Kiểm tra, đối chiếu kỹ các giấy tờ, văn bản khi chứng thực bản sao từ bản chính;

– Trường hợp nghi ngờ về tính hợp pháp của bản chính giấy tờ, văn bản thì yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin cần thiết để xác minh;

– Khi phát hiện bản chính được cấp sai thẩm quyền, giả mạo thì phải từ chối chứng thực và lập biên bản tạm giữ, chuyển cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực cũng yêu cầu các cơ quan thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về việc chứng thực hợp đồng, giao dịch; chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản…

Công văn 842/HTQTCT-CT ban hành ngày 26/5/2016.

 

Chồng giấu giếm ôm tiền đi đầu tư, khi gặp rủi ro vợ có đòi được tài sản?

Trên mạng xã hội, nhiều người tranh luận về tình huống vợ/chồng giấu đối phương để đầu tư chứng khoán, mua bảo hiểm…có phạm luật, nếu rủi ro thì có đòi được tiền? Nhằm giải đáp những thắc mắc của dư luận, Luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc công ty Luật Minh Bạch) đã có những chia sẻ với tờ VTC news,  nếu vợ hoặc chồng giấu đối phương để dùng tài sản chung đầu tư mà không có sự đồng ý của bên kia, theo luật hiện hành, hành vi này có thể bị coi là vô hiệu do vợ và chồng có quyền ngang nhau trong việc định đoạt tài sản chung, việc thực hiện quyền về tài sản của vợ/chồng trong thời kỳ hôn nhân không được xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người còn lại, phải được sự đồng ý của bên còn lại. Nếu không, bên bị giấu giếm có quyền khởi kiện để đòi lại tài sản hoặc yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu. Tuy nhiên, việc lấy lại tài sản từ người thứ ba có thể khó khăn nếu họ không biết về sự vi phạm này.  Vì vậy, việc thỏa thuận và lập văn bản rõ ràng trước khi đầu tư là cách bảo vệ tài sản và quyền lợi của cả hai trong hôn nhân.

xem thêm bài viết tại đây 

Tư vấn về tội chống người thi hành công vụ.

Hiện nay, khi đang lưu thông trên đường, nhiều trường hợp bị cảnh sát giao thông dừng xe xử lý vi phạm nhưng người điều kiển giao thông không chấp hành, bất tuân và giằng co với cảnh sát, như vậy thì có cấu thành tội chống người thi hành công vụ hay không? Hãy cùng luật sư tìm hiểu cụ thể về hành vi vi phạm, lỗi, khung hình phạt và các quy định khác liên quan đến hành vi chống người thi hành công vụ.

 

chong nguoi thi hanh cong vu

Ảnh minh họa(internet)

Luật sư tư vấn:

Điều 257 BLHS 1999 sửa đổi 2009 quy định tội chống người thi hành công vụ:

“1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc  họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ  sáu tháng  đến  ba năm

2.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm

a) Có tổ chức

b) Phạm tội nhiều lần

c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;

d) Gây hậu quả nghiêm trọng;

đ) Tái phạm nguy hiểm.”

Khách thể của tội phạm:

Hoạt động quản lý xã hội nói chung và hoạt động quản lý hành chính nói riêng, của các cơ quan nhà nước, các tổ chức được thực hiện thông qua hoạt động của các nhân viên của các cơ quan, tổ chức đó. Khái niệm người thi hành công vụ nêu tại Điều 257 này bao gồm các nhân viên của các cơ quan hoặc các tổ chức đang thi hành nhiệm vụ được cơ quan, tổ chức giao cho hoặc theo quy định của pháp luật vì lợi ích chung.

Hành vi chống lại người thi hành công vụ trực tiếp xâm phạm hoạt động bình thường, đúng đắn của các cơ quan nhà nước, tổ chức, làm giảm hiệu lực quản lý của các cơ quan, tổ chức đó. Tội phạm này được quy định nhằm đấu tranh phòng chống các hành vi chống người thi hành công vụ, giữ gìn trật tự công cộng, tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, đảm bảo tính mạng, sức khỏe của người đang thi hành công vụ.

Mặt khách quan của tội phạm:

Thể hiện ở hành vi cưỡng ép người thi hành công vụ thực hiện những hành vi trái pháp luật hoặc không cho họ thực thi chức trách, nhiệm vụ của mình:

+ Dùng vũ lực chống người thi hành công vụ là dùng sức mạnh vật chất tấn công trực tiếp người đang thi hành công vụ (đấm, đá , đâm, chém…)

+ Đe doạ dùng vũ lực là dùng lời nói, cử chỉ có tính răn đe, uy hiếp khiến người thi hành công vụ sợ hãi, phải chấm dứt việc thực thi công vụ… Sự đe doạ là thực tế có cơ sở để người bị đe doạ tin rằng lời đe doạ sẽ biến thành hiện thực.

+ Cưỡng ép người thi hành công vụ làm trái pháp luật là khống chế, ép buộc người thi hành công vụ phải làm những điều trái với chức năng, quyền hạn của họ hoặc không làm những việc thuộc chức năng quyền hạn của họ.

+ Các thủ đoạn khác chống người thi hành công vụ là hành vi bôi nhọ, vu khống, đe doạ sẽ cung cấp những tin tức bất lợi cho người thi hành công vụ…

Hành vi dùng vũ lực,đe dọa dùng vũ lực,… của người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 257 nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 93 và Điều 104 BLHS hiện hành.

Trong trường hợp, hành vi chống người thi hành công vụ gây thương tích hoặc làm chết người đang thi hành công vụ thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm d khoản 1 Điều 93 hoặc điểm k khoản 2 Điều 104 BLHS 1999.

Hậu quả xảy ra không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm quy định tại Điều 257. Tội phạm được coi là hoàn thành từ thời điểm người phạm tội có hành vi kháng cự hay cưỡng ép người thi hành công vụ thực hiện hành vi trái pháp luật.Việc người thi hành công vụ có thực hiện hay không các hành vi theo sự cưỡng ép không ảnh hưởng tới việc định tội danh với hành vi phạm tội.

Chủ thể của tội phạm:

Chủ thể của tội phạm này có thể là bất kỳ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự.

Mặt chủ quan của tội phạm:

Tội phạm này được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp.Người phạm tội nhận thức được hành vi của mình là cản trở người đang thi hành công vụ hoặc cưỡng ép họ thực hiện các hành vi trái pháp luật. Nếu người phạm tội không biết người mà mình chống lại là người đang thi hành công vụ hoặc nghi ngờ về tính hợp pháp của việc thực hiện nhiệm vụ của người đó, thì tùy trường hợp căn cứ vào hoàn cảnh và điều kiện cụ thể mà xác định tội danh đối với hành vi đã thực hiện là gây thương tích hay chống người thi hành công vụ.

Hình phạt:

Điều 257 quy định hai khung hình phạt:

Khung 1: Cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm, áp dụng đối với người phạm tội trong trường hợp không có tình tiết tăng nặng.

Khung 2: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm :

– Có tổ chức

– Phạm tội nhiều lần;

– Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;

–  Gây hậu quả nghiêm trọng;

– Tái phạm nguy hiểm.

 

Theo Bộ luật hình sự 2015 (sắp có hiệu lực) tội chống người thi hành công vụ quy định tại Điều 330 với khung hình phạt tương tự Điều 257 BLHS 1999 sửa đổi 2009.

Trân trọng!

 

 

 

Vấn đề bảo lưu trật tự công cộng

Khái niệm bảo lưu trật tự công cộng trong tư pháp quốc tế ở Việt Nam. Khái niệm “Trật tự công” (public policy) hay (public order) là một thuật ngữ pháp lý có nội hàm hết sức trừu tượng, phức tạp. Tuy nhiên, thuật ngữ này lại được sử dụng khá phổ biến trong hệ thống pháp luật của các quốc gia. Trên thực tế, mỗi quốc gia xuất phát từ những lợi ích, đường lối phát triển khác nhau trong việc bảo vệ những giá trị nền tảng của mình nên khái niệm “Trật tự công’’ cũng mang màu sắc quốc gia. Trong tư pháp quốc tế, vấn đề bảo lưu trật tự công được sử dụng “ khi cơ quan có thẩm quyền sử dụng các quy phạm xung đột của quốc gia dẫn chiếu đến pháp luật nước ngoài, nhưng không áp dụng hệ thống pháp luật nước ngoài đó (mà trên thực tế đáng lẽ sẽ được áp dụng), hoặc không thừa nhận hiệu lực phán quyết của toà án nước ngoài, do phán quyết đó làm phát sinh một tình thế trái với các nguyên tắc pháp lý cơ bản của pháp luật của mình hoặc nếu xét thấy việc áp dụng pháp luật nước ngoài là vi phạm các quy định có tính chất thiết lập nền tảng chính trị, pháp lý, kinh tế, xã hội của quốc gia mình, nhằm bảo vệ trật tự công quốc gia”

Thực tế tòa án ở các nước phương tây thường sử dụng “bảo lưu trật tự công cộng” như là một công cụ sắc bén để bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị với mục đích hạn chế, thậm chí đôi khi là gạt bỏ, là phủ nhận việc cần thiết phải áp dụng luật nước ngoài, trước hết là luật pháp của các nước khác nhau về chế độ kinh tế – xã hội.

          Ở các nước khác nhau thì nó được áp dụng khác nhau, theo điều 30 bộ luật dân sự Đức quy định : “Việc áp dụng luật nước ngoài sẽ phải hủy bỏ nếu như việc áp dụng đó chống lại đạo lý hoặc là các tiêu chí của pháp luật Đức”

Ở Anh – Mỹ quan điểm thống trị trong thực tiễn cũng như trong khoa học pháp lý về trật tự công cộng là tòa án không buộc phải thực thi (áp dụng) và công nhận luật hoăc hạn chế nước ngoài mà luật nước ngoài đó được quy phạm xung đột luật của Anh hoặc Mỹ đãn chiến tới, nếu như việc buộc phải thực thi hoặc công nhận đó không phù hợp với “trật tự công cộng” ở các nước này.

Còn ở Việt Nam, quy định về “Bảo lưu trật tự công cộng” được ghi nhận rất rõ ràng và cụ thể ở điều 664, 665 BLDS năm 2015. Ngoài ra vấn đề này còn được ghi nhận ở một số văn bản pháp luật khác của Việt Nam. Ví dụ như điều 122 Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam.

Theo pháp luật Việt Nam được ghi nhận trong các văn bản trên thì trật tự công cộng  được hiểu là các nguyên tắc cơ bản tạo ra một trật tự pháp lý trong chế độ của chúng ta. Việc thực hiện nguyên tắc bảo lưu trật tự công cộng để loại bỏ một số quy định của pháp luật của nước ngoài không thể áp dụng không có nghĩa là luật nước ngoài đối kháng, mâu thuẫn với thể chế chính trị – pháp luật của nhà nước mình mà chỉ là nếu áp dụng thì gây ra hậu quả xấu, không lành mạnh có tác động tiêu cực đối với các nguyên tắc các nền tảng cơ bản, đạo đức, truyền thống và lối sống của nước mình. Các cơ quan tư pháp và cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở nước ta phải cẩn trọng trong việc vận dụng nguyên tắc bảo lưu trật tự công cộng, thực tiến cho thấy rất ít trường hợp phải vận dụng và trường hợp bắt buộc bao giờ cũng dựa trên những cơ sở  pháp lý đúng đắn và khách quan, bảo đảm thực hiện nghiêm túc nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Thủ tục đăng ký chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh

Loại hình công ty TNHH 2 thành viên trở lên, khi chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thì cần tiến hành những thủ tục sau:

Cơ quan thực hiện : Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đặt trụ sở

Cách thức thực hiệnNgười đăng ký hoặc người đại diện theo ủy quyền (sau đây viết tắt là người đăng ký) nộp đầy đủ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả – Văn phòng Phát triển kinh tế hoặc nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử  (Thông qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp theo địa chỉ

Thành phần hồ sơ :

1) Đối với chi nhánh, văn phòng đại diện:

– Thông báo về việc chấm dứt hoạt động chi nhánh,văn phòng đại diện;

– Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu có);

– Quyết định của Hội đồng thành viên về việc chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện

– Danh sách chủ nợ và số nợ chưa thanh toán, gồm cả nợ thuế của chi nhánh và nợ tiền đóng bản hiểm xã hội;

– Danh sách người lao động và quyền lợi tương ứng hiện hành của người lao động;

– Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện;

– Giấy xác nhận của cơ quan công an về việc hủy con dấu của chi nhánh, văn phòng đại diện (nếu có).

– Con dấu của chi nhánh, văn phòng đại diện (nếu có).

c.2) Đối với  địa điểm kinh doanh:

– Thông báo về việc chấm dứt hoạt động địa điểm kinh doanh;

– Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh.

c.3) Đối với người được ủy quyền nộp hồ sơ, kèm theo:

(1) Bản sao hợp lệ hợp đồng cung cấp dịch vụ giữa người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp và tổ chức làm dịch vụ thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp và giấy giới thiệu của tổ chức đó cho cá nhân trực tiếp thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp; hoặc

(2) Văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật cho cá nhân thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp.

(3) Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ: Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác còn hiệu lực của người đại diện theo ủy quyền nộp hồ sơ.

Số lượng : 01 bộ hồ sơ

Thời hạn giải quyết :

(1) Đối với chấm dứt hoạt động địa điểm kinh doanh: 03 ngày làm việc;

(2) Đối với chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện: 05 ngày làm việc.

Mọi ý kiến thắc mắc vui lòng liên hệ hotline 19006232 hoặc số điện thoại 0987.892.333 để được giải đáp

Chế tài xử lý với hành vi bạo lực gia đình

Câu hỏi:

Tôi 25 tuổi, đã kết hôn được 3 năm  và có thai 4 tháng nhưng tôi thường xuyên bị chồng nhậu say về rồi đánh đập vô cớ. Cách đây khoảng một tháng, sau khi nhậu say về anh ta lại giở thói vũ phu, đánh tôi khiến tôi bị sảy thai và gãy một bên chân phải nằm viện nửa tháng. Hiện tại tôi đang làm thủ tục ly hôn, tình nghĩa không còn, xin hỏi luật sư tôi có thể yêu cầu chồng tôi phải bồi thường thiệt hại về sức khỏe cũng như tinh thần do bị chồng đánh hay không? Tôi xin cảm ơn.

bao-luc-dg

Hình ảnh minh họa

Luật sư tư vấn:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi những thắc mắc của bạn đến Công ty Luật Minh Bạch. Với những thông tin bạn cung cấp chúng tôi xin được tư vấn như sau:

Khi đánh đập gây tổn hại sức khỏe của chị là chồng chị đã có hành vi bạo lực gia đình theo quy định tại điểm a, khoản 1, điều 2 Luật phòng chống bạo lực gia đình và bị nghiêm cấm tại điều 8 của Luật này.

Căn cứ vào Nghị định số 110/2009/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình thì hành vi của chồng chị có thể bị xử phạt từ 1.000.000đ – 2.000.000đ. Chị có thể làm đơn tố cáo và yêu cầu xử lý chồng chị đến trưởng công an xã hoặc chủ tịch UBND xã nơi chị sinh sống.

Còn việc anh ta đánh đập khiến chị phải nằm viện điều trị dài ngày, theo khoản 4, điều 4 của Luật Phòng chống bạo lực gia đình thì anh ta phải có trách nhiệm bồi thường cho chị. Chị có thể yêu cầu việc bồi thường ngay tại công an xã hoặc UBND xã. Nếu anh ta không có trách nhiệm và thoái thác, chị nên thu thập các hóa đơn viện phí để khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại tại tòa án nhân dân huyện, pháp luật sẽ có biện pháp chế tài buộc anh ta phải bồi thường cho chị.

Trân trọng!

 

 

Điều 169 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền yêu cầu chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật đối với việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản

Điều 169. Quyền yêu cầu chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật đối với việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản
Khi thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản, chủ thể có quyền yêu cầu người có hành vi cản trở trái pháp luật phải chấm dứt hành vi đó hoặc có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người đó chấm dứt hành vi vi phạm.

____________________________________________________

Trên đây là quan điểm trả lời của Luật Minh Bạch. Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, để được hỗ trợ và tư vấn cụ thể hơn, quý bạn đọc vui lòng liên hệ theo địa chỉ:

Công ty Luật Minh Bạch

Phòng 703, số 272 Khương Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội

Hotline: 1900.6232

Email: luatsu@luatminhbach.vn

Trân trọng!

Bài viết cùng chủ đề

Bài viết mới nhất

video tư vấn

dịch vụ tiêu biểu

Bài viết xem nhiều

dịch vụ nổi bật