Pháp nhân thương mại phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự từ ngày 1/1/2018
Từ ngày 1/1/2018, Bộ luật Hình sự 2015 chính thức có hiệu lực đồng nghĩa với việc quy định pháp nhân thương mại là chủ thể của tội phạm chính thức được công nhận lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp hình sự. Với việc bổ sung này, BLHS 2015 đánh dấu bước phát triển mang tính đột phá trong chính sách hình sự và tư duy lập pháp hình sự, làm thay đổi nhận thức truyền thống về tội phạm và hình phạt, khắc phục những bất cập của hệ thống pháp luật trong việc xử lý vi phạm pháp nhân ở Việt Nam trong những năm gần đây, tạo cơ sở pháp lý trong hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng chống tội phạm.. Trong phạm vi bài viết, xin phép được phân tích vài vấn đề cơ bản của chế định pháp lý quan trọng này
Như thế nào là Pháp nhân thương mại
Pháp nhân thương mại là khái niệm mới được quy định tại Điều 75 Bộ Luật Dân Sự 2015
Pháp nhân thương mại bao gồm 02 đặc tính:
– Là pháp nhân
Theo điều 74 BLDS năm 2015, quy định về pháp nhân như sau:
“1. Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan;
b) Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này;
c) Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;
d) Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
2. Mọi cá nhân, pháp nhân đều có quyền thành lập pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác.”
Từ quy định này, có thể đưa ra khái niệm pháp nhân như sau: Pháp nhân là tổ chức được thành lập hợp pháp, có cơ cấu thống nhất, có tài sản riêng và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình, nhân danh mình tham gia vào các quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Các tổ chức không có tư cách pháp nhân không chịu trách nhiệm hình sự. Ví dụ: Chi nhánh và văn phòng đại diện của pháp nhân, quỹ đầu tư, doanh nghiệp tư nhân, hộ gia đình, công đoàn
– Có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận (hoạt động sinh lợi) và lợi nhuận được chia cho các thành viên
Các tổ chức pháp nhân nhưng không có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận, hoặc nếu có lợi nhuận thì cũng không được phân chia cho các thành viên cũng không phải là “ pháp nhân thương mại” và do vậy, không phải là chủ thể chịu trách nhiệm hình sự
Điều 76 BLDS năm 2015 quy định về pháp nhân phi thương mại như sau:
“ 1. Pháp nhân phi thương mại là pháp nhân không có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận; nếu có lợi nhuận thì cũng không được phân chia cho các thành viên”.
Ví dụ: Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội- nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, doanh nghiệp xã hội và các tổ chức phi thương mại khác
Phạm vi và nguyên tắc áp dụng
Bộ luật Hình sự 2015 có thể áp dụng cho hành vi phạm tội của pháp nhân thương mại trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam.
– Pháp nhân thương mại Việt Nam:
Phạm tội trong lãnh thổ Việt Nam (Điều 5.1 BLHS 2015)
Phạm tội ngoài lãnh thổ Việt Nam (Điều 6.1 BLHS 2015)
– Pháp nhân thương mại nước ngoài
Phạm tội trong lãnh thổ Việt Nam (Điều 5.1 BLHS 2015)
Phạm tội ngoài lãnh thổ Việt Nam (trong trường hợp hành vi phạm tội (i) xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam, (ii) xâm hại lợi ích của Việt Nam, hoặc (iii) theo quy định của điều ước quốc tế của Việt Nam) (Điều 6.2 BLHS 2015)
- Xác định pháp nhân thương mại Việt Nam và pháp nhân thương mại nước ngoài
– Quốc tịch của pháp nhân được xác định theo pháp luật của nước nơi pháp nhân thành lập (Điều 80 và Điều 676 BLDS 2015)
Ví dụ: Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập tại Việt Nam là pháp nhân thương mại Việt Nam; doanh nghiệp được thành lập tại nước ngoài là pháp nhân thương mại nước ngoài.
– Tuy nhiên nếu pháp luật của nước nơi pháp nhân thành lập khong có khái niệm “pháp nhân thương mại” vậy làm như thế nào để xác định “ pháp nhân thương mại nước ngoài”
– Ngoài ra quy định chưa rõ ràng ở chỗ, chi nhánh và văn phòng đại diện của pháp nhân nước ngoài tại Việt Nam có phải là chủ thể chịu trách nhiệm hình sự hay không?
– Việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân (Điều 75.2 BLHS 2015)
Điều này có nghĩa là: thứ nhất, trong mọi trường hợp, người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội luôn phải chịu trách nhiệm hình sự về cùng tội danh với pháp nhân trừ trường hợp thuộc một trong các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự; thứ hai, đối với người hoặc những người đứng đầu pháp nhân thì tùy trường hợp cụ thể để xử lý. Nếu những người này đều biết và thống nhất chỉ đạo, chấp thuận cho thực hiện thì họ cùng chịu trách nhiệm chung về tội danh với pháp nhân và người trực tiếp thực hiện tội phạm. Nếu có căn cứ cho rằng, trong số họ có người không biết hoặc phản đối việc thực hiện hành vi này thì họ không phải chịu trách nhiệm chung tội danh với pháp nhân
– Việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự loại trừ trách nhiệm hành chính của pháp nhân thương mại (Điều 62.3 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012) nhưng không loại trừ trách nhiệm dân sự
– Pháp nhân thương mại thực hiện chia tách, hợp nhất, sáp nhập thì pháp nhân kế thừa “có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thi hành án phạt tiền, bồi thường thiệt hại” (Điều 445.3 của BLTTHS 2015)
Điều kiện chịu trách nhiệm hình sự
Pháp nhân thương mại đáp ứng đủ 4 điều kiện sau sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự (Điều 75.1 BLHS 2015)
- Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại
Để truy cứu TNHS đối với pháp nhân, người thực hiện hành vi phạm tội phải nhân danh pháp nhân. Trường hợp thực hiện hành vi mang danh nghĩa cá nhân thì không thể đặt vấn đề truy cứu TNHS đối với pháp nhân ngay cả khi họ là người đại diện hợp pháp của pháp nhân.Theo quy định pháp luật hiện hành, người thực hiện hành vi pháp nhân có thể là người lãnh đạo, người điều hành pháp nhân, người được pháp nhân ủy quyền
- Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại
Đây là căn cứ quan trọng để xác định một pháp nhân có bị truy cứu TNHS hay không. Nói cách khác, căn cứ này phản ánh dấu hiệu lỗi của pháp nhân thông qua việc đánh giá ý thức chủ quan của người đứng đầu, Ban lãnh đạo pháp nhân. Như vậy, pháp nhân chỉ phải chịu TNHS khi người đứng đầu pháp nhân hoặc Ban lãnh đạo của pháp nhân nhận thức rõ hành vi mà người đại diện thực hiện là trái pháp luật mà vẫn chỉ đạo, trực tiếp điều hành hoặc chấp thuận cho người đại diện thực hiện hành vi đó
- Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại
Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân là việc người đại diện thực hiện hành vi nhằm mang lại lợi ích chung cho pháp nhân, kể cả trong trường hợp lợi ích cá nhân của pháp nhân không phải là duy nhất.Ví dụ như: giảm chi phí nộp thuế cho pháp nhân, mang lại lợi ích cho pháp nhân khi thực hiện hành vi thao túng giá chứng khoán. Trường hợp thực hiện hành vi trên danh nghĩa pháp nhân nhưng lại mang lại lợi ích cho cá nhân thì cũng không thể truy cứu TNHS đối với pháp nhân
- Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự vẫn còn (Khoản 2 và Khoản 3 Điều 27 BLHS 2015)
Cũng giống như hành vi phạm tội của cá nhân đơn lẻ là muốn truy cứu TNHS một người nào thì hành vi đó phải còn thời hiệu truy cứu TNHS
Việc xác định thời hiệu truy cứu TNHS đối với pháp nhân được thông qua việc xác định thời hiệu truy cứu TNHS của cá nhân nhưng trong phạm vi 31 tội danh được quy định tại Điều 76 BLHS năm 2015
Mọi thắc mắc pháp lý cần tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ, quý khách vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 19006232 hoặc gửi thư về địa chỉ emai: luatsu@luatminhbach.vn