Hotline tư vấn: 0243 999 0601
Tư vấn qua email: info@luatminhbach.vn

tội đầu cơ

Quy định pháp luật

Trách nhiệm hình sự về tội đầu cơ đối với pháp nhân thương mại được quy định tại Điều 196 BLHS năm 2015, cụ thể:

Điều 196. Tội đầu cơ

1. Người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Hàng hóa trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

b) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị xử phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, d, đ và e khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 4.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;

d) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.”

Tội đầu cơ xuất hiện phổ biến trong thời kỳ nền kinh tế bao cấp mà ở đó việc lưu thông phân phối thuộc quyền của Nhà nước, nên hành vi phạm tội bị xử lý về tội đầu cơ quy định trong BLHS năm 1985 là rất rộng.

Đến nay, ở Việt Nam đã hình hình nền kinh tế thị trường, nên hành vi đầu cơ khó xảy ra. Song nhằm đảm bảo việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, có sự điều tiết của Nhà nước trong những trường hợp cụ thể nhất định, đồng thời nhằm bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, do đó quy định tội đầu cơ trong BLHS năm 1999 và BLHS năm 2015 với tinh thần xử lý hình sự có giới hạn với những điều kiện cụ thể hiện nay vẫn là cần thiết.

Dấu hiệu pháp lý của tội phạm

1. Khách thể của tội phạm

Hành vi đầu cơ xâm phạm đến quan hệ lưu thông hàng hóa, sự điều tiết của Nhà nước nhằm đảm bảo cơ chế thị trường nhưng định hướng XHCN và xâm phạm đến lợi ích người tiêu dùng.

Đối tượng là những loại hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá. Ví dụ: lúa, gạo, muối, xăng dầu, xi măng, thép xây dựng,…

Đây là điểm khác biệt thể hiện sự cụ thể hóa hơn so với quy định về tội đầu cơ trong BLHS năm 1999. Đối tượng của tội đầu cơ trong Điều 160 BLHS năm 1999 chỉ đơn thuần là hàng hóa được phép lưu thông trên thị trường Việt Nam.

Như vậy, tinh thần chung Nhà nước đã thu hẹp khả năng xử lý tội đầu cơ so với quy định trong BLHS năm 1999, đối tượng hàng hóa của tội đầu cơ theo Điều 196 BLHS năm 2015 chỉ còn các mặt hàng thiết yếu mà Nhà nước cần bình ổn giá hay Nhà nước định giá.

2. Mặt khách quan của tội phạm

  • Dấu hiệu bắt buộc về hoàn cảnh phạm tội: Đó là tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế dẫn đến tình trạng khan hiếm hàng hóa. Ví dụ do lũ lụt, chiến tranh,… dẫn đến khan hiếm lương thực, thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu khác như xăng, dầu,… Tình hình này có thể được các cơ quan có thẩm quyền tuyên bố xác định vùng thiên tai, vùng có chiến sự, hoặc các cơ quan tiến hành tố tụng đánh giá cụ thể.
  • Hoặc lợi dụng các hoàn cảnh nêu trên, một hoặc một số người do nắm độc quyền kinh doanh một số loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu đã cố ý tạo ra sự khan hiếm giả tạo bằng cách giữ hàng hóa không bán ra thị trường, hay một số tư thương tung tin thất thiệt,… nhằm tạo ra sự khan hiếm giả tạo để trục lợi.
  • Người phạm tội đã lợi dụng tình hình khan hiếm nêu trên hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo để mua vét hàng hóa nhằm bán lại thu lợi bất chính.

“Mua vét” hàng hóa được hiểu là hành vi mua với số lượng lớn hàng hóa, có thể mua một lần hoặc nhiều lần với số lượng hàng hóa nào đó vượt quá nhiều lần nhu cầu tiêu dùng của gia đình, nhu cầu dự trữ của nghề nghiệp trong điều kiện hàng hóa khan hiếm,… đồng thời việc mua vét này có căn cứ chứng minh nhằm bán lại để thu lợi bất chính.

Trong quy định về tội đầu cơ tại Điều 160 BLHS năm 1999, việc mua vét hàng hóa phải đi kèm với dấu hiệu số lượng hàng hóa lớn và gây hậu quả nghiêm trọng mới bị coi là phạm tội. Trong đó: Căn cứ xác định số lượng lớn còn tùy vào sự đánh giá của các cơ quan tiến hành tố tụng; hậu quả nghiêm trọng có thể là gây rối loạn thị trường trong một khu vực nhất định, giá cả tăng đột biến gây nên sự khó khăn cho đời sống nhân dân, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế tại địa phương.

Tuy nhiên, quy định về dấu hiệu định tội trong tội đầu cơ tại Điều 196 BLHS năm 2015 đã cụ thể hóa dấu hiệu hàng hóa có số lượng lớn qua việc quy định giá trị hàng hóa đồng hóa đồng thời không quy định dấu hiệu gây hậu quả nghiêm trọng là dấu hiệu bắt buộc. Theo đó, hành vi khách quan nêu trên chỉ bị coi là tội phạm nếu:

  • Hàng hóa trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
  • Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

3. Chủ thể của tội phạm

Pháp nhân thương mại có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận, lợi nhuận được chia cho các thành viên và được thành lập, hoạt động và chấm dứt tuân thủ theo quy định của Bộ luật dân sự 2015, Luật doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.

4. Mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi của người phạm tôi là lỗi cố ý trực tiếp với mục đích mua vét hàng hóa nhằm bán lại thu lợi bất chính.

Mục đích mua vét, tích trữ hàng hóa nhằm bán lại thu lợi bất chính là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm. Việc có bán được hàng hóa với giá cao để thu lợi bất chính hay không, không là dấu hiệu bắt buộc. Thực tế có thể người đầu cơ bán lỗ, bán giá thấp hơn lúc “mua vét”, điều này không làm ảnh hưởng đến việc xác định tội danh.

Hình phạt

Khung 1: Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với hành vi đầu cơ thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Hàng hóa trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

  • Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

Khung 2: Phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 4.000.000.000 đồng đối với các hành vi đầu cơ thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Có tổ chức;

  • Hàng hóa trị giá từ 1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;

  • Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

  • Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Khung 3: Phạt tiền từ 4.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng đối với hành vi đầu cơ thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Hàng hóa trị giá 3.000.000.000 đồng trở lên;

  • Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;

  • Tái phạm nguy hiểm.

Hình phạt bổ sung: Ngoài ra pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

____________________________________________________________________________________________

Trên đây là quan điểm của Luật Minh Bạch về vấn đề trên, bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, để được hỗ trợ và tư vấn cụ thể hơn, quý bạn đọc vui lòng liên hệ theo địa chỉ:

Công ty Luật Minh Bạch

Phòng 703, số 272 Khương Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội

Hotline: 1900.6232

Email: luatsu@luatminhbach.vn

Trân trọng!

Bài viết mới nhất

video tư vấn

dịch vụ tiêu biểu

Bài viết xem nhiều

dịch vụ nổi bật