Hotline tư vấn: 0243 999 0601
Tư vấn qua email: info@luatminhbach.vn

Thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam

Hiện nay có rất nhiều người nước ngoài muốn nhập quốc tịch vào Việt Nam, để hiểu rõ hơn về thủ tục nhập quốc tịch vào Việt Nam, Luật Minh Bạch xin tư vấn cụ thể như sau :

  1. Điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam:

Công dân nước ngoài, người không quốc tịch đang thường trú tại thành phố Hà Nội  và được Công an thành phố Hà Nội cấp thẻ thường trú mà có đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam thì có thể được nhập quốc tịch Việt Nam, nếu có đủ các điều kiện sau đây:

1.1. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam.

1.2. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; tôn trọng truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam.

1.3. Biết tiếng Việt đủ để hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam.

1.4. Đã thường trú ở Việt Nam từ 5 năm trở lên tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch Việt Nam.( (đã thường trú ở Việt Nam từ 05 năm trở lên, kể từ ngày người đó được cấp thẻ thường trú)

1.5. Có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam.

1.6. Người xin nhập quốc tịch Việt Nam phải thôi quốc tịch nước ngoài.

1.7. Người xin nhập quốc tịch Việt Nam phải có tên gọi Việt Nam. Tên gọi này do người xin nhập quốc tịch Việt Nam lựa chọn và được ghi rõ trong Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.

1.8. Người xin nhập quốc tịch Việt Nam không được nhập quốc tịch Việt Nam, nếu việc đó làm phương hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam.

  1. Các trường hợp miễn điều kiện nêu tại điểm 1.3, 1.4 và 1.5: mục 1.4 phải ghi rõ : vẫn phải có thẻ Thường trú nhưng thời gian 5 năm thì được miễn (Xem quy định tại Nghị định 78/2009 điều 7)

2.1. Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam.

2.2. Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

2.3. Có lợi cho Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

  1. Các trường hợp miễn điều kiện nêu tại điểm 1.6:

3.1. Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam.

3.2. Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

3.3. Có lợi cho Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều kiện trên được miễn trong trường hợp đặc biệt nếu được Chủ tịch nước cho phép

Cơ quan thực hiện : Sở Tư pháp

Cách thức thực hiện : Nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở Tư pháp.

Thành phần hồ sơ :

+ Đơn có nguyện vọng nhập quốc tịch Việt Nam;

+ Bản sao Giấy khai sinh, Hộ chiếu hoặc giấy tờ khác có giá trị thay thế Giấy khai sinh, Hộ chiếu của người xin nhập quốc tịch Việt Nam là giấy tờ có giá trị chứng minh quốc tịch nước ngoài của người đó; Bản sao Giấy khai sinh của người con chưa thành niên cùng nhập quốc tịch Việt Nam theo cha mẹ hoặc giấy tờ khác chứng minh quan hệ cha con, mẹ con. Trường hợp chỉ cha hoặc mẹ nhập quốc tịch Việt Nam mà người con chưa thành niên sinh sống cùng người nhập quốc tịch Việt Nam theo cha hoặc theo mẹ thì phải nộp văn bản thỏa thuận của cha mẹ về việc nhập quốc tịch Việt Nam cho con;

+  Bản khai lý lịch;

+ Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với thời gian người xin nhập quốc tịch Việt Nam cư trú ở Việt Nam, Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp đối với thời gian người xin nhập quốc tịch Việt Nam cư trú ở nước ngoài. Phiếu lý lịch tư pháp phải là phiếu được cấp không quá 90 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ;

+ Giấy tờ chứng minh trình độ Tiếng Việt của người xin nhập quốc tịch Việt Nam là một trong các giấy tờ: Bản sao bằng tốt nghiệp sau đại học, đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trung học phổ thông hoặc trung học cơ sở của Việt Nam; bản sao văn bằng hoặc chứng chỉ chứng nhận trình độ tiếng Việt do cơ sở đào tạo tiếng Việt của Việt Nam;

Trường hợp người nộp hồ sơ nhập quốc tịch Việt Nam khai báo biết tiếng Việt đủ để hoà nhập theo quy định nhưng không có giấy tờ chứng minh trình độ tiếng Việt, thì Sở Tư pháp tổ chức phỏng vấn trực tiếp đánh để giá. Kết quả trực tiếp phỏng vấn được lập thành văn bản.

+ Giấy tờ chứng minh về chỗ ở, thời gian thường trú ở Việt Nam: Bản sao Thẻ thường trú;

+ Giấy tờ chứng minh bảo đảm cuộc sống ở Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam (gồm một trong số các giấy tờ: Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản; giấy xác nhận mức lương hoặc thu nhập do cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc cấp; giấy xác nhận của cơ quan thuế về thu nhập chịu thuế; giấy tờ chứng minh được sự bảo lãnh của tổ chức cá nhân tại Việt Nam; giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân  phường – xã, thị trấn nơi thường trú của người xin nhập quốc tịch Việt Nam về khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam của người đó).

* Trường hợp Người xin nhập quốc tịch Việt Nam được miễn một số điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam, thì phải nộp một số giấy tờ chứng minh điều kiện được miễn

* Giấy tờ bằng tiếng nước ngoài có trong các hồ sơ phải được dịch sang tiếng Việt và chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Thời hạn giải quyết :  135 ngày làm việc  kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ và đủ điều kiện theo quy định pháp luật (thời gian làm việc thực tế tại các cơ quan).

Mọi ý kiến thắc mắc và cần hỗ trợ mọi người liên hệ qua hotline 19006232 hoặc qua số điện thoại 0987.892.333 để được giải đáp

0.0 sao của 0 đánh giá

Bài viết liên quan

Điều 154 Bộ luật dân sự 2015

Điều 154. Bắt đầu thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự

1. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được tính từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được tính từ ngày phát sinh quyền yêu cầu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Thời hạn được xóa án tích?

Câu hỏi:

Chào luật sư, tôi bị xét xử về tội cố ý gây thương tích và bị Tòa án tuyên 2 năm tù. Nay tôi đã chấp hành xong hình phạt và ra tù được 1 năm. Vậy xin hỏi luật sư, trường hợp của tôi sau thời hạn bao lâu sẽ được xóa án tích?

Trả lời tư vấn:

Bạn đã bị Tòa án tuyên về tội cố ý gây thương tích và đã chấp hành xong hình phạt tù, do đó bạn sẽ thuộc trường hợp được đương nhiên xóa án tích sau khi hết thời hạn được xóa án tích. Cụ thể quy định tại Điều 64 Bộ luật hình sự 1999

Như vậy, thời hạn xóa án tích được xác định kể từ khi người phạm tội chấp hành xong bản án hoặc khi hết  thời hiệu thi hành bản án  người đó không phạm tội mới. Căn cứ quy định tại Nghị quyết 01/2000/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần chung của Bộ luật hình sự 1999 thì:  

+ Thời hạn để xoá án tích được căn cứ vào hình phạt chính đã tuyên, mà không căn cứ vào hình phạt bổ sung; thời hạn đó bắt đầu được tính kể từ ngày chấp hành xong hình phạt chính, hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án, chứ không phải bắt đầu được tính kể từ ngày chấp hành xong hình phạt chính.

+ Được coi là chấp hành xong hình phạt chính, hình phạt bổ sung và các quyết khác của bản án trong các trường hợp sau đây:

– Người bị kết án tự mình đã chấp hành xong hình phạt chính, hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án;

– Người bị kết án đã chấp hành xong hình phạt chính, hình phạt bổ sung, còn các quyết định về tài sản trong bản án hình sự đã có người nộp thay cho người bị kết án (người thân của người bị kết án đã bồi thường thay, đã nộp tiền án phí, tiền phạt… thay cho người bị kết án hoặc người cùng người bị kết án phải liên đới bồi thường đã bồi thường đủ toàn bộ theo quyết định của bản án);

Đối chiếu với trường hợp của bạn, mức phạt tù của bạn là 2 năm và bạn vừa mới chấp hành xong do đó căn cứ vào thời hạn xóa án tích do pháp luật quy định thì sau 3 năm từ ngày bạn chấp hành xong hình phạt thì án tích của bạn sẽ được xóa nếu như trong khoảng thời gian này bạn không phạm tội mới.

Chào mừng ngày truyền thống luật sư Việt Nam 10/10 & trải lòng về nghề Luật sư

Sau 68 năm kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh kí sắc lệnh số 46 khai sinh ra nghề luật sư, tổ chức luật sư trong chế độ dân chủ nhân dân thì nay với quyết định công nhận ngày truyền thống, nghề luật sư đã chính thức được tôn vinh là một nghề có bề dày truyền thống, cần được củng cố, giữ gìn.

Sắp tới đây, 10/10 ngày truyền thống của Luật sư Việt Nam, chúng ta cùng lắng nghe những tâm tư, trải lòng của Luật sư Trần Tuấn Anh -Giám đốc công ty Luật Minh Bạch (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) về vụ  “ ZONE 9 ”. Đã hơn 2 năm kể từ ngày phiên tòa diễn ra mà dường như, mọi chi tiết, mọi hình ảnh đều in rõ trong tâm trí Luật sư.

ls-tuan-anh

Luật sư Trần Tuấn Anh

Trái tim nóng của người luật sư

Đã hơn hai năm kể từ cái ngày kinh hoàng ấy, một vụ cháy đã cướp đi sinh mạng của 6 người thợ tại khu vực được coi là “khu ăn chơi mới của giới trẻ Hà Nội”, Zone 9. Ngồi tại phiên tòa với vai trò là Luật sư bào chữa cho một bị cáo trong vụ án, tôi đứng lên phát biểu quan điểm bào chữa mà không có bất kỳ luận cứ nào được viết trước.

Sau lời luận tội của đại diện VKS, tôi ngồi lặng đi, cả căn phòng gần như im phăng phắc. Vị luật sư đồng nghiệp (bào chữa cho một bị cáo khác trong vụ án) đứng lên trình bày phần bào chữa của mình. Lúc này, tâm trí tôi hỗn độn giữa những hình ảnh của quá khứ, của hậu quả từ hành vi phạm tội và cái lý – cái tình của cuộc sống này.

 

Khi luật sư thổn thức

Phiên tòa vẫn diễn ra với không khí trầm lắng, trong sự hối lỗi tột cùng từ hành vi cẩu thả của những người được gọi là “chủ đầu tư”, “chủ thầu”. Trong đó, người “đầu vụ” là anh thợ hàn, người mà đến trước thời điểm phạm tội chỉ mới cầm kìm hàn được 10 ngày.

Tôi đứng lên phát biểu quan điểm bào chữa mà giọng nghẹn lại, tôi hiểu rằng lúc này cần phải có một trái tim nóng và một cái đầu lạnh để bào chữa cho thân chủ mình, nhưng tôi đã không làm được điều đó. Tôi bắt đầu bài bào chữa bằng những hình ảnh kinh hoàng do chính tôi chứng kiến vào buổi chiều định mệnh đó.

dsc0362_bdia

Luật sư Tuấn Anh tại phiên tòa

Như một sự trùng hợp ngẫu nhiên, khoảng 14h, ngay tại địa điểm đó, cơ quan PCCC sẽ tổ chức diễn tập công tác PCCC. Thế nhưng chỉ sớm hơn có mấy phút, vụ cháy thật đã xảy ra. Nhiều người đã tưởng rằng đó chỉ là buổi diễn tập đã bắt đầu.

Đến khi những tiếng hô hoán thất thanh vang lên, còi xe cứu hỏa hú vang trời, xe cứu thương lần lượt đưa các chiến sỹ công an PCCC đi cấp cứu vì bị ngạt khói thì mọi người mới bắt đầu hoang mang tột độ. Khoảng khắc 6 thi thể được đưa ra khỏi đám cháy đúng là một thảm cảnh thực sự.

Có lẽ, chưa bao giờ tôi bắt đầu bài bào chữa của mình như vậy.

 

Bản án lương tâm nặng nề cho từng bị cáo

Hội trường xét xử im lặng, tiếng quạt trần vẫn đều đều như muốn xóa tan không khí nặng nề đó, thổi bớt cái nóng 40oC của tiết trời miền Bắc, nhưng lại không thể át đi tiếng thở dài của những người dự khán.

zone_9_2_tlgz

Ảnh chiến sĩ PCCC (internet)

Tôi tiếp tục nói về việc các bị cáo đã cùng toàn thể Zone 9 nỗ lực như thế nào để chia sẻ, hỗ trợ các gia đình nạn nhân để giảm bớt đau thương mất mát; Sự hối hận và bản án lương tâm đã dày vò bị cáo của tôi như thế nào.

Tôi biết, trong vụ án này, ngay cả những người tiến hành tố tụng cũng cảm thấy bối rối khi thực hiện chức năng, quyền hạn của mình. Vụ án đã thay đổi đến 3 Thẩm phán, 3 Kiểm sát viên, 3 thư ký, trả hồ sơ điều tra bổ sung 2 lần và hoãn đến lần thứ 5 mới đưa ra xét xử. Có lẽ tất cả đang cần thời gian để cân nhắc.

Gia đình bị hại đã liên tục phải dừng lại, nghẹn ngào khi nói lời xin miễn trách nhiệm hình sự và giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Họ biết rằng tất cả chỉ vì “cơm áo gạo tiền” mà họ phải đứng ở “phía đối lập” với các bị cáo.

Liên tục các từ “giá như” được vị Hội thẩm nêu ra trong tiếng thở dài.

Kết thúc phần tranh luận, các bị cáo được nói lời sau cùng trước khi Hội đồng xét xử vào phòng nghị án. Đây là lúc mà dường như mọi người không thể cầm được nước mắt khi những lời xin lỗi, những lời chia sẻ với đau thương, mất mát được chầm chậm cất lên. Bị cáo của tôi đã nghẹn ngào đến mức không thể nói được một câu nào rõ nghĩa. Nhưng có lẽ lúc này, sự im lặng mới là âm thanh vang vọng nhất.

 

Bào chữa giúp cho bị cáo không có luật sư

Hội đồng xét xử vào phòng xử án, phiên tòa được giãn ra một cách từ tốn, mọi người bắt đầu nói chuyện, trao đổi, hỏi han nhau. Người nhà một bị cáo đã ra mua rất nhiều nước vào cho mọi người trong phòng xử án. Có lẽ trong thời khắc đó, chỉ có nước mới giúp giảm đi được vị đắng ngắt, nghèn nghẹn trong cổ họng của mỗi người.

Bị cáo duy nhất trong vụ án bị tạm giam, trong quá trình xét xử liên tục đảo mắt xung quanh phòng xử án để tìm người thân trong vô vọng. Như thấu hiểu được điều đó, vị thẩm phán đã hỏi bị cáo là “có ai là người nhà bị cáo có mặt tại phiên xử ngày hôm nay không”? Bị cáo đã cúi đầu trả lời: “Không ạ!”. Sau tiếng thở dài đầy thông cảm, vị thẩm phán đã ngay lập tức đề nghị bị cáo khi kết thúc phiên xử lên gặp thư ký tòa, ghi lại số điện thoại người thân để thông báo với gia đình.

Sau khi HĐXX quyết định sẽ nghị án kéo dài, tôi mới xin được phát biểu một vài quan điểm để bào chữa, nói đúng hơn là đề nghị HĐXX áp dụng thêm một số tình tiết giảm nhẹ cho anh “thợ hàn” – Bị cáo không có luật sư và được HĐXX trân trọng lắng nghe. Tôi biết, như vậy là vượt quá chức năng, nhiệm vụ của mình trong vụ án, nhưng thực sự với phiên tòa này, tôi đã không làm theo lý trí.

zone-9

Ảnh (internet)

Phiên tòa kết thúc với những bản án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật song không ai, kể cả phía người nhà nạn nhân, cảm thấy nhẹ nhõm. Cánh cửa xe “bịt bùng” mở ra, người vợ kịp trao cho bị cáo bị tạm giam một túi nylon đựng đầy sữa, bánh mỳ và thuốc lá, coi như có chút quà của những người “phạm đi xử” về cho anh em cả buồng liên hoan.

Người thực hiện: Luật sư Trần Tuấn Anh – Giám đốc công ty Luật Minh Bạch, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.

Vụ nổ bốt điện làm chết người ở Hà Đông: Trách nhiệm thuộc về ai?

15 giờ chiều ngày 17/11 tại Hà Đông, một vụ nổ bốt điện xảy ra khiến người dân khu vực giật mình hoảng hốt. Cạnh bốt điện là một hàng nước của bà Nguyễn Thị Hạnh (57 tuổi) và người chồng của mình – ông Vũ Đình Thái (63 tuổi). Ông Thái bị tàn tật, hai vợ chồng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nên phải dựa vào quán nước để lấy tiền trang trải cho cuộc sống.Sau gần một ngày được cấp cứu tại Viện Bỏng Quốc gia, ông Vũ Đình Thái (63 tuổi, người ngồi xe lăn), một trong 5 nạn nhân vụ nổ bốt điện ở quận Hà Đông (Hà Nội) đã tử vong vào ngày 18/11

1479439229_vu-no-bot-dien-o-ha-dong-hai-vo-chong-gia-bong-nang-co-duoc-boi-thuong-ton-that

Ông Vũ Đình Thái trong tình trạng bỏng toàn thân sau vụ nổ bốt điện

Vậy trong trường hợp trên ai sẽ là người chịu trách nhiệm bồi thường tổn thất cho họ?

Theo Công ty Điện lực Hà Nội, tai nạn xảy ra trong quá trình đóng điện vận hành không tải trước khi vận hành chính thức, máy biến áp bất ngờ tràn dầu, gây cháy. Nếu căn cứ theo thông cáo của Tổng Công ty Điện lực TP.Hà Nội, nguyên nhân gây nổ không thuộc về những nạn nhân, mà do bốt điện không đảm bảo kỹ thuật, chất lượng. Vì thế, chủ sở hữu và cơ quan trực tiếp quản lí điện tại địa phương đó phải chịu trách nhiệm bồi thường cho nạn nhân. Theo quy định tại  Điều 618 Bộ luật dân sự 2005 quy định: “Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao”.

Ngay cả trong trường hợp chủ sở hữu và cơ quan trực tiếp quản lí bốt điện không có lỗi (trừ trường hợp bất khả kháng, tình thế cấp thiết hay lỗi hoàn toàn của nạn nhân) thì những cơ quan này vẫn phải có trách nhiệm khi tài sản của mình gây ra thiệt hại về sức khỏe và tính mạng với những người xung quanh. Căn cứ theo quy định tại Điều 623 Bộ luật dân sự 2005 và Mục 3 Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP: Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây: Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại; Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Theo quy định trên thì Cơ quan quản lý điện lực ở địa phương sẽ chịu trách nhiệm do bốt điện cháy nổ gây ra thiệt hại cho người khác. Mức bồi thường được tính trên thiệt hại thực tế, và người thiệt hại phải chứng minh thương tật sau đó mới có mức bồi thường cụ thể

Những điểm mới của Nghị định số 70/2023/NĐ-CP ngày 18/9/2023 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020

Nghị định số 70/2023/NĐ-CP ngày 18/9/2023 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính phủ quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam; có hiệu lực từ ngày 18/9/2023. (more…)

Xử phạt người phát tờ rơi không đúng quy định từ 05/5/2017

Nghị định 28/2017/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 131/2013/NĐ-CP xử phạt hành chính về quyền tác giả và Nghị định 158/2013/NĐ-CP xử phạt hành chính về văn hóa, thể thao, du lịch, quảng cáo được ban hành ngày 20/3/2017.

Theo đó, bổ sung một số quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo như sau:

– Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng đối với hành vi phát tờ rơi quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội.

– Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo trên tờ rơi làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội.

– Phạt từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng cáo bằng cách treo, đặt, dán, vẽ quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng.

– Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với hành vi bán vé, thu tiền tham dự lễ hội.

Nghị định 28/2017/NĐ-CP có hiệu lực ngày 05/5/2017.

Điều 162 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về chịu rủi ro về tài sản

Điều 162. Chịu rủi ro về tài sản
1. Chủ sở hữu phải chịu rủi ro về tài sản thuộc sở hữu của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
2. Chủ thể có quyền khác đối với tài sản phải chịu rủi ro về tài sản trong phạm vi quyền của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với chủ sở hữu tài sản hoặc Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

____________________________________________________

Trên đây là quan điểm trả lời của Luật Minh Bạch. Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, để được hỗ trợ và tư vấn cụ thể hơn, quý bạn đọc vui lòng liên hệ theo địa chỉ:

Công ty Luật Minh Bạch

Phòng 703, số 272 Khương Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội

Hotline: 1900.6232

Email: luatsu@luatminhbach.vn

Trân trọng!

Tập án lệ đầu tiên của Việt Nam ra đời

Tính đến thời điểm hiện nay đã có 10 án lệ được công bố, bao gồm các án lệ sau:

Án lệ số 1: Quyết định giám đốc thẩm 04/2014/HS-GĐT ngày 16/04/2014 về vụ án giết người

Án lệ số 2: Quyết định giám đốc thẩm 27/2010/DS-GĐT ngày 08/07/2010 về vụ án tranh chấp đòi lại tài sản

Án lệ số 3: Quyết định giám đốc thẩm 208/2013/DS-GĐT ngày 03/05/2013 về vụ án ly hôn

Án lệ số 4: Quyết định giám đốc thẩm 04/2010/QĐ-HĐTP ngày 03/03/2010 về vụ án tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất

Án lệ số 5: Quyết định giám đốc thẩm 39/2014/DS-GĐT ngày 09/10/2014 về vụ án tranh chấp di sản thừa kế

Án lệ số 6: Quyết định giám đốc thẩm 100/2013/GĐT-DS ngày 12/08/2013 về vụ án tranh chấp thừa kế

Án lệ số 7: Quyết định giám đốc thẩm 126/2013/DS-GĐT ngày 23/09/2013 về vụ án dân sự tranh chấp quyền sở hữu, sử dụng nhà

Án lệ số 8: Quyết định giám đốc thẩm 12/2013/KDTM-GĐT ngày 16/05/2013 về vụ án kinh doanh, thương mại tranh chấp về hợp đồng tín dụng

Án lệ số 9: Quyết định giám đốc thẩm 07/2013/KDTM-GĐT ngày 15/03/2013 về vụ án kinh doanh, thương mại tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa

Án lệ số 10: Quyết định giám đốc thẩm 08/2014/HC-GĐT ngày 19/08/2014 về vụ án hành chính khiếu kiện Quyết định bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất

Điều 102 Bộ luật dân sự 2015

Điều 102. Tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân

1. Việc xác định tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, quyền, nghĩa vụ đối với tài sản này được xác định theo quy định tại Điều 212 của Bộ luật này.

2. Việc xác định tài sản chung của các thành viên tổ hợp tác, quyền, nghĩa vụ đối với tài sản này được xác định theo quy định tại Điều 506 của Bộ luật này.

3. Việc xác định tài sản chung của các thành viên của tổ chức khác không có tư cách pháp nhân, quyền, nghĩa vụ đối với tài sản này được xác định theo thỏa thuận của các thành viên, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Quản lý vệ sinh lao động và sức khỏe người lao động

Vừa qua, Bộ Y tế ban hành Thông tư 19/2016/TT-BYT hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động và sức khỏe người lao động (NLĐ).

banner3

Theo đó, người sử dụng lao động (NSDLĐ) cần tuân thủ các quy định về quản lý sức khỏe NLĐ như sau:

– Thực hiện việc quản lý, chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho NLĐ kể từ thời điểm họ được tuyển dụng và trong suốt quá trình làm việc.

– Phải bố trí việc làm phù hợp với tình hình sức khỏe của NLĐ và:

+ Không bố trí người bị bệnh nghề nghiệp làm công việc tiếp xúc với yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp đó khi chưa kiểm soát hoặc giảm thiểu được việc tiếp xúc các yếu tố có hại này;

+ Hạn chế bố trí NLĐ mắc bệnh mạn tính làm các công việc có yếu tố có hại đến bệnh đang mắc;

+ Nếu phải bố trí NLĐ bị bệnh mạn tính làm công việc có yếu tố hại đến bệnh đang mắc thì NSDLĐ phải giải thích đầy đủ các yếu tố có hại đến sức khỏe cho NLĐ biết và chỉ được bố trí sau khi NLĐ đồng ý bằng văn bản.

Thông tư 19/2016/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 15/8/2016.

 

Tội sản xuất buôn bán hàng giả theo Bộ Luật Hình sự 2015

Thị trường mở cửa hiện nay giúp hàng hóa được lưu thông dễ dàng, các mặt hàng nội ngoại cũng trở nên đa dạng với các mức giá cạnh tranh giúp người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn hơn. Tuy nhiên, mặt trái của việc tự do kinh tế thị trường là tạo cơ hội cho việc sản xuất buôn bán hàng nhái, hàng kém chất lượng phát triển, chà đạp lên lợi ích và sức khỏe của người tiêu dùng để thu về nguồn lợi bất chính.

Quy định xử lý hành vi phạm tôi sản xuất buôn bán hàng giả được ghi nhận rất rõ ràng và cụ thể tại Điều 192 Bộ Luật Hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung bởi Luật sửa đổi Bộ luật hình sự 2017 như sau:

Điều 192. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả

  1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194 và 195 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

    a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

    b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

    c) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

    d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

 

  1. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

    a) Có tổ chức;

    b) Có tính chất chuyên nghiệp;

    c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

    d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

    đ) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

    e) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

    g) Làm chết người;

    h) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

    i) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

    k) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

    l) Buôn bán qua biên giới;

 

  1. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

    a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

    b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;

    c) Làm chết 02 người trở lên;

    d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;

    đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.”;

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, đ, e, g, h, i, k, l và m khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;”.

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.”

Mọi thắc mắc pháp lý cần tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ, quý khách vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 19006232hoặc gửi thư về địa chỉ emai: luatsu@luatminhbach.vn

 

“Tội đánh bạc” xác định trách nhiệm hình sự sao cho đúng?

     Đặt vấn đề:

“Đánh bạc” hay gọi theo lối dân dã là “Cờ bạc”, đã, đang và vẫn là một vấn nạn thật sự nhức nhối đối với xã hội hiện đại ngày nay. Xã hội càng phát triển, công nghệ càng phát triển thì kéo theo đó là việc đánh bạc và hình thức đánh bạc cũng ngày càng đa dạng và tinh vi. Chúng ta có thể thấy sự hiện diện của đánh bạc ở nhiều nơi từ quán nước, ghế đá hay đến trường học, công sở…với nhiều hình thức từ tá lả, liêng, lốc, xóc đĩa, cá độ,…được thực hiện bởi nhiều phương thức trực tiếp, gián tiếp thông qua Internet hay các phương tiện truyền tin khác. Và đã biết bao nhiêu gia đình tan nát, điêu đứng vì “Đánh bạc”.

Nhận thức được tác hại của “Đánh bạc” đối với xã hội, Đảng và Nhà nước ta đã dùng nhiều biện pháp như giáo dục, tuyên truyền nhằm hạn chế tác hại của “Đánh bạc” đối với đời sống xã hội. Và một trong những biểu hiện cao nhất, kiên quyết nhất đó là việc thể chế hóa thành quy định pháp luật trong Bộ luật Hình sự. Tại bộ luật Hình sự hiện hành đánh bạc được điều chỉnh bởi hai điều: 248 về “Tội đánh bạc” và 249 về “Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc”. Để giúp những người áp dụng pháp luật có nhận thức đúng đắn và định hướng xử lý chính xác đối với từng dạng, phương thức đánh bạc xảy ra trong xã hội, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành một số văn bản như Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP, Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP và gần đây nhất là Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 01/2010). Có thể nói, với sự ra đời của các văn bản như đã nêu và đặc biệt là Nghị quyết số 01/2010 đã tạo cơ sở pháp lý khá đầy đủ (ở thời điểm hiện tại) để xử lý các hiện tượng liên quan đến “Đánh bạc”. Tuy nhiên, xuất phát từ thực tiễn và qua nghiên cứu về nội dung cũng như kỹ thuật lập pháp thể hiện tại Nghị quyết số 01/2010, người viết đưa ra một vài quan điểm cá nhân để cùng bàn luận như sau:

   danhbac

   Ảnh minh họa

Kỹ thuật lập pháp:

Nghị quyết 01/2010 quy định:

“…Khi xác định tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc cần phân biệt:

a) Trường hợp nhiều người cùng tham gia đánh bạc với nhau thì việc xác định tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc đối với từng người đánh bạc là tổng số tiền, giá trị hiện vật của những người cùng đánh bạc được hướng dẫn tại khoản 3 Điều này;

b) Trường hợp đánh bạc dưới hình thức chơi số đề, cá độ bóng đá, cá độ đua ngựa…

….

Việc xác định số tiền hoặc giá trị hiện vật của người chơi đề, cá độ và của chủ đề, chủ cá độ dùng đánh bạc dưới hình thức chơi số đề, cá độ bóng đá, cá độ đua ngựa… như sau:

 Xác định số tiền hoặc giá trị hiện vật của người chơi đề, cá độ dùng đánh bạc

a) Trường hợp người chơi số đề, cá độ có trúng số đề, thắng cược cá độ thì số tiền mà họ dùng đánh bạc là tổng số tiền mà họ đã bỏ ra để mua số đề, cá độ cộng với số tiền thực tế mà họ được nhận từ chủ đề, chủ cá độ.

b) Trường hợp người chơi số đề, cá độ không trúng số đề, không thắng cược cá độ hoặc bị phát hiện, ngăn chặn trước khi có kết quả mở thưởng thì số tiền mà họ dùng đánh bạc là tổng số tiền mà họ đã bỏ ra để mua số đề, cá độ.

Xác định số tiền hoặc giá trị hiện vật của chủ đề, chủ cá độ dùng đánh bạc

a) Trường hợp có người chơi số đề, cá độ trúng số đề, thắng cược cá độ thì số tiền chủ đề, chủ cá độ dùng đánh bạc là toàn bộ số tiền thực tế mà chủ đề, chủ cá độ đã nhận của những người chơi số đề, cá độ và số tiền mà chủ đề, chủ cá độ phải bỏ ra để trả cho người trúng (có thể là một hoặc nhiều người)

b) Trường hợp không có người chơi số đề, cá độ trúng số đề, thắng cược cá độ hoặc bị phát hiện, ngăn chặn trước khi có kết quả mở thưởng, kết quả bóng đá, kết quả đua ngựa… thì số tiền chủ đề, chủ cá độ dùng đánh bạc là tổng số tiền mà chủ đề, chủ cá độ đã nhận của những người chơi số đề, cá độ.

Vấn đề cần bàn ở đây đó là theo quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 1 của Nghị định này có đưa ra khái niệm “cùng tham gia đánh bạc với nhau”. Tại điểm này sử dụng kỹ thuật lập pháp đó là đưa ra một quy định mang tính “định tính” chỉ ra bản chất của hình thức đánh bạc. Nhưng đến điểm b thì kỹ thuật lập pháp được dùng ở đây lại là phương pháp liệt kê mà không chỉ ra bản chất của các hình thức được liệt vào điểm này. Theo người viết, ưu điểm của phương pháp liệt kê tại điểm b là chỉ ra chính xác một số hình thức “Đánh bạc” để người áp dụng pháp luật có thể áp dụng dễ dàng. Tuy nhiên, đó cũng lại chính là hạn chế của phương pháp này. Việc không “định tính” dẫn đến việc khi phát sinh các hình thức đánh bạc có bản chất tương tự thì dễ bị áp dụng pháp luật một cách tùy tiện hoặc sai lầm và gây khó khăn cho người áp dụng pháp luật. Và có thể thấy là đối với cả hai trường hợp được quy định tại điểm a và b, khoản 4, điều 1 này thì vẫn chưa có một sự hướng dẫn, giải thích thật sự rõ ràng nào giúp tránh việc áp dụng pháp luật một cách thiếu thống nhất dẫn đến thiếu sót trong quá trình đấu tranh, xử lý tội phạm.

  1. Về mặt thực tiễn:

Để minh chứng cho quan điểm như đã nêu về vấn đề kỹ thuật lập pháp. Người viết đưa ra một ví dụ như sau:

“Ngày 13/6/2014, Cơ quan CSĐT Công an huyện X bắt quả tang 11 đối tượng có hành vi đánh bạc với hình thức xóc đĩa, thắng với tỷ lệ: 1 x 2. Tại hiện trường vật chứng thu giữ tại chiếu bạc là 4.900.000đ (Bốn triệu chín trăm nghìn đồng), 01 bát, 01 đĩa, 04 quân vị và một số điện thoại và số tiền của từng đối tượng như bảng dưới đây:

Nghi can số Số tiền chơi (VND) Tư cách chơi Ghi chú
1 2.000.000 Chủ cái
2 20.000 Người chơi Thua hết
3 170.000 Người chơi Thua hết
4 250.000 Người chơi Thua hết
5 500.000 Người chơi Thua hết
6 700.000 Người chơi Thua hết
7 120.000 Người chơi Thua hết
8 80.000 Người chơi Thua hết
9 800.000 Người chơi Thua hết
10 150.000 Người chơi Thua hết
11 200.000 Người chơi Thua hết
Tổng        4.990.000

 

Căn cứ trên kết quả tổng hợp từ lời khai, Cơ quan CSĐT nhận thấy đủ lượng theo quy định điều 248 BLHS và xác định đây là trường hợp “cùng tham gia đánh bạc với nhau” theo như quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 1 Nghị quyết 01/2010. Có nghĩa là từng đối tượng sẽ phải chịu trách nhiệm với tổng số tiền và hiện vật thu giữ mà chứng minh được là sẽ dùng để đánh bạc. Do đó, Cơ quan CSĐT đã ra quyết định khởi tố bị can đối với 11 đối tượng nêu trên.”

Để xác định xem quyết định khởi tố bị can đối với từng trường hợp, đối tượng cụ thể có phù hợp với quy định của pháp luật không thì cần quay lại vấn đề lý luận đó là phải hiểu thế nào là “cùng tham gia đánh bạc với nhau” và các hình thức đánh bạc tương tự như số đề, cá độ…là như thế nào? Nhưng có thể thấy rằng quy định tại Nghị quyết 01/2010 chưa có hướng dẫn hay cách giải thích rõ ràng về vấn đề này.

Theo quan điểm của người viết đối với trường hợp đánh bạc bằng hình thức xóc đĩa nêu trên nói riêng thì đây là hình thức đánh bạc mà có 1 con bạc (1 bên, có thể gồm nhiều người) cầm cái (chủ cái) để đánh với các con bạc riêng lẻ khác. Theo luật chơi (nếu không có thỏa thuận khác), các con bạc lẻ tham gia đánh bạc là chỉ đánh với chủ cái và không có sự tương tác, sát phạt lẫn nhau (cũng tương tự như đặt cược đua ngựa) nên đây không phải là loại “cùng tham gia đánh bạc với nhau” mà bản chất của hình thức này là “một người đánh bạc với nhiều người”. Do vậy, cần áp dụng quy định tại điểm b, khoản 4, điều 1 Nghị quyết 01/2010 đối với trường hợp này và việc xác định số tiền dùng để đánh bạc để xác định trách nhiệm hình sự cần áp dụng trong trường hợp này cần áp dụng giống hướng dẫn đối với lô, đề, cá độ…có nghĩa là:

  • Đối với những người đánh bạc riêng lẻ thì số tiền mà họ dùng đánh bạc là tổng số tiền mà họ đã và sẽ (nếu chứng minh được là sẽ dùng để đánh) bỏ ra để đánh bạc cộng với số tiền thực tế mà họ được nhận từ chủ cái nếu thắng (Cách tính như theo quy định tại tiểu mục 5.1, khoản 5, Điều 1 Nghị quyết 01/2010).
  • Đối với chủ cái thì số tiền chủ cái dùng đánh bạc là toàn bộ số tiền thực tế mà chủ đề, chủ cá độ đã nhận của những người chơi số đề, cá độ và số tiền mà chủ đề, chủ cá độ phải bỏ ra để trả cho người trúng (có thể là một hoặc nhiều người) (Cách tính như theo quy định tại tiểu mục 5.2, khoản 5, Điều 1 Nghị quyết 01/2010).
  1. Góp ý, đề xuất:

Xuất phát từ mong muốn hướng tới sự nhận thức pháp luật thật sự rõ ràng, thống nhất cho vấn đề xác định trách nhiệm hình sự đối với hành vi đánh bạc, nhằm hạn chế việc áp dụng pháp luật thiếu chính xác dẫn đến việc hình sự hóa các quan hệ pháp luật khác, người viết xin đưa ra quan điểm, nhận thức cá nhân đối với các quy định của Nghị quyết 01/2010 và được thể hiện rõ qua quan điểm về phương hướng xử lý đối với ví dụ nêu trên. Và cũng từ việc nhận thức rằng còn một số nội dung chưa thật sự rõ ràng hay thiếu sự hướng dẫn, giải thích cụ thể tại nội dung của Nghị quyết 01/2010, người viết xin đưa ra một vài quan điểm đóng góp nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật hình sự về “Đánh bạc” như sau:

  • Trước hết, để có cách hiểu thống nhất đảm bảm việc áp dụng pháp luật một cách đúng đắn, không oan sai thì cần phải có hướng dẫn, giải thích cụ thể về các thuật ngữ như “cùng tham gia đánh bạc với nhau” và “một người đánh bạc với nhiều người” như đề xuất bổ sung tại phần kỹ thuật lập pháp.

Người viết đưa ra một số đề xuất giải thích như sau:

  • Cùng tham giam đánh bạc với nhau” là việc các con bạc trong cùng chiếu bạc có sự sát phạt (tương tác) lẫn nhau.
  • Một người đánh bạc với nhiều người” là việc một hoặc một số con bạc (cùng phe) có vai trò trung tâm, đánh bạc (tương tác) với các con bạc tham gia chơi khác. Trong khi đó, các con bạc khác chỉ tương tác đối với riêng con bạc trung tâm mà không có sự tương tác lẫn nhau giữa các con bạc cùng chơi.
  • Để khắc phục hạn chế như đã phân tích về kỹ thuật lập pháp thì cần có văn bản hướng dẫn, bổ sung quy định tại điểm b, khoản 4, Điều 1 theo đó quy định về bản chất mang tính “định tính” của các hình thức đánh bạc như lô, đề, cá độ… đó là việc “một người đánh bạc với nhiều người” sau đó liệt kê một số hình thức điển hình để người áp dụng pháp luật dễ hình dung để áp dụng cho đúng. Ví dụ có thể quy định như sau:

“…

  1. Khi xác định tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc cần phân biệt:
  2. a) Trường hợp nhiều người cùng tham gia đánh bạc với nhau thì việc xác định tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc đối với từng người đánh bạc là tổng số tiền, giá trị hiện vật của những người cùng đánh bạc được hướng dẫn tại khoản 3 Điều này;
  3. b) Trường hợp một người hay một bên đánh bạc với nhiều người ví dụ như hình thức chơi số đề, cá độ bóng đá, cá độ đua ngựa hoặc các hình thức đánh bạc khác có bản chất tương tự…”

Ví dụ được người viết nêu trên là một trong những ví dụ thực tế về cách tư duy xác định trách nhiệm hình sự đối với tội danh “Đánh bạc”. Và do có sự nhận thức và quan điểm xử lý không đồng nhất về vấn đề này nên người viết mạnh dạn trình bày quan điểm cá nhân như trên. Và dù nhận thức pháp luật của người viết có thể đúng hay chưa đúng nhưng với tinh thần cầu thị và hơn cả mong muốn được sự tham gia phân tích của các chuyên gia, các nhà lập pháp về vấn đề này để cho không chỉ người viết mà những nhà áp dụng pháp luật khác có một cách tư duy, cách nhận thức pháp luật nhất quán về vấn đề xác định trách nhiệm hình sự đối với các trường hợp tương tự có thể xảy ra trên thực tế. Từ đó làm nền tảng cho việc áp dụng pháp luật một cách đúng đắn hơn, tránh việc có thể vận dụng quy phạm pháp luật không đúng đắn sau này.

                                                                            Công ty Luật Minh Bạch

Bài viết cùng chủ đề

Bài viết mới nhất

video tư vấn

dịch vụ tiêu biểu

Bài viết xem nhiều

dịch vụ nổi bật