Gần đây nhất vụ tai nạn sập giàn giáo nghiêm trọng tại dự án chung cư Eco Green (số 1 phố Giáp Nhất, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) khiến 2 người chết, 4 người bị thương ngày 13/10.
Trước tiên, tôi xin chia sẻ những mất mát, đau thương đối với gia đình các nạn nhân trong vụ việc nêu trên. Hậu quả của vụ tai nạn là đặc biệt nghiêm trọng và nó cho chúng ta thấy công tác đảm bảo thi công tại các công trường xây dựng hiện nay ở Việt Nam đang “có vấn đề”, bởi đây không phải là vụ tai nạn thương tâm duy nhất trong thời gian ngắn trở lại đây. Dưới góc độ một người dân, tôi luôn có cảm giác bất an khi đi qua các công trình xây dựng cao tầng tại Việt Nam. Cần cẩu, giàn giáo, sắt thép, vật liệu xây dựng ….có thể lao xuống đầu người dân bất cứ lúc nào và người dân luôn phải đối mặt với những cái chết tức tưởi từ trên trời rơi xuống.
Dưới góc độ pháp luật, thì việc đảm bảo an toàn công trình, tính mạng, sức khỏe con người và tài sản được xem là “nguyên tức cơ bản trong hoạt động xây dựng” và đã được quy định cụ thể, chi tiết trong Luật Xây dựng Việt Nam năm 2014. Theo đó, việc vi phạm quy định về an toàn lao động là một hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại khoản 10 Điều 12 của Luật này. Chi tiết hơn, tại Điều 115 Luật Xây dựng đã quy định rất rõ về “An toàn trong thi công xây dựng công trình” và trách nhiệm này thuộc về cả chủ đầu tư và đơn vị thi công công trình. Cụ thể:
“1. Trong quá trình thi công xây dựng, chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm bảo đảm an toàn cho công trình, người lao động, thiết bị, phương tiện thi công làm việc trên công trường xây dựng.
- Chủ đầu tư phải bố trí người có đủ năng lực theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các quy định về an toàn của nhà thầu thi công xây dựng; tạm dừng hoặc đình chỉ thi công khi phát hiện có sự cố gây mất an toàn công trình, dấu hiệu vi phạm quy định về an toàn; phối hợp với nhà thầu xử lý, khắc phục khi xảy ra sự cố hoặc tai nạn lao động; thông báo kịp thời với cơ quan chức năng có thẩm quyền khi xảy ra sự cố công trình, tai nạn lao động gây chết người.
- Nhà thầu thi công xây dựng phải đề xuất, thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, máy, thiết bị, tài sản, công trình đang xây dựng, công trình ngầm và các công trình liền kề; máy, thiết bị, vật tư phục vụ thi công có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động phải được kiểm định về an toàn trước khi đưa vào sử dụng”.
Như vậy, pháp luật thì đã rõ, quy định cũng rất chi tiết, tuy nhiên, tình trạng vi phạm vẫn xảy ra thường xuyên, thường là các vụ tai nạn lao động trong xây dựng ngày càng có tính chất nghiêm trọng hơn và theo đó, thiệt hại về người và tài sản cũng ngày càng lớn hơn.
Theo quan điểm của tôi, sở dĩ tình trạng này liên tục tiếp diễn và ngày càng gia tăng là do chính con người, những ông chủ đầu tư, ông chủ thầu xây dựng công trình, cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng và đôi khi là do chính những người công nhân xây dựng chưa biết sử dụng hết quyền của mình trong việc có thể từ chối thực hiện công việc khi điều kiện an toàn cho chính bản thân mình không đảm bảo.
Ở đây, cứ sau mỗi vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, lại sẽ có việc thanh tra, kiểm tra về an toàn lao động tại công trường. Rõ ràng là chúng ta đã “mất bò mới lo làm chuồng”, sự việc xảy ra rồi, thiệt hại rồi mới thanh tra, kiểm tra và có đôi khi là xử phạt, song rồi đâu lại vào đấy, vì lợi nhuận, vì tiến độ, vì miếng cơm manh áo….các vụ tai nạn lao động thương tâm vẫn tiếp tục xảy ra.
Tôi cho rằng, để xảy ra tình trạng này, không thể không có trách nhiệm từ sự buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng trong vấn đề quản lý xây dựng tại các công trường.
Đối với công trình xây dựng để xảy ra tình trạng mất an toàn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như vậy thì điều đầu tiên cần làm là phải ngay lập tức đình chỉ các hoạt động thi công để cơ quan chức năng, chủ đầu tư, nhà thầu thi công rà soát lại một cách thực sự nghiêm túc về điều kiện đảm bảo an toàn lao động đối với cán bộ, công nhân đang thi công tại công trường. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần phải có những biện pháp giám sát chặt chẽ hơn nữa đối với các công trình xây dựng kiểu như thế này để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra trong quá trình thi công tiếp theo.
Về phía người lao động bị chết và bị thương trong vụ tai nạn vừa rồi sẽ được bồi thường theo quy định của pháp luật tương ứng với thiệt hại xảy ra đối với cụ thể của từng người. Liên quan đến mức bồi thường cụ thể thì pháp luật tôn trọng quyền tự quyết, tự thỏa thuận của các bên để xác định mức bồi thường phù hợp. Trong trường hợp các bên không thể tự thỏa thuận được mức bồi thường thì có thể yêu cầu Tòa án xác định theo căn cứ pháp luật dựa trên các thiệt hại xảy ra trên thực tế và lỗi của các bên trong mối quan hệ này.
Người thực hiện: Luật sư Trần Tuấn Anh – Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội).