Ngày 4/2, trên mạng xã hội lan truyền video nhóm thanh niên bắt một cô gái về làm vợ tại ngã ba xã Châu Lộc (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An). Mặc dù cô gái đã gào thét, vùng vẫy nhưng nhóm thanh niên quyết không thả.
- Thưa Luật sư, trường hợp “cướp vợ, bắt vợ” mà nhóm thanh niên và người chủ mưu có vi phạm pháp luật không ? nếu vi phạm sẽ đối chiếu với điều luật nào ?
- Sự việc trên đã đủ để khởi tố vụ án hay không?
- Theo Luật sư, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cần làm gì để thức tỉnh, cảnh tỉnh những người có hành vi như trên ?
- Được biết, hiện nay rất nhiều địa phương có phong tục “bắt vợ”, nhiều người lợi dụng phong tục để ép các cô gái về làm “vợ”. Vậy theo Luật sư, phong tục này có phù hợp với quy định pháp luật và nếp sống văn minh ngày nay hay không ? Nếu để phong tục này tiếp diễn thì có thể gây nên những hậu quả ra sao, thưa luật sư ?
Ảnh minh họa
Luật sư trả lời:
Trong trường hợp này, hành vi “cướp vợ, bắt vợ” mà nhóm thanh niên thực hiện đối với cô gái ở Nghệ An đã có dấu hiệu của tội phạm hình sự. Cụ thể ở đây là tội bắt, giữ, hoặc giam người trái pháp luật theo quy định tại Điều 123 BLHS 1999 sửa đổi 2009.
Theo đó:
“Điều 123: Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật
- Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:
- a) Có tổ chức;
- b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
- c) Đối với người thi hành công vụ;
- d) Phạm tội nhiều lần;
đ) Đối với nhiều người.
- Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
- Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.”
Hành vi của các thanh niên trong clip “bắt vợ” hoàn toàn đủ cấu thành tội phạm.
Thứ nhất, về mặt khách thể tội phạm:
Đây là tội phạm xâm phạm vào quyền bất khả xâm phạm về thân thể, tự do cá nhân của công dân. Qua clip ta có thể thấy được sự ép buộc phải lên xe máy của nhóm thanh niên đối với cô gái trẻ.
Thứ hai, về mặt khách quan tội phạm:
Mặt khách quan được thể hiện ở hành vi bắt giữ hoặc giam người trái pháp luật. Trong trường hợp này, nhóm thanh niên là người không có thẩm quyền, chức năng hoạt động nhà nước và cô gái cũng không phải trường hợp phạm tội quả tang hoặc đang có lệnh truy nã nhưng vì lý do cá nhân (bắt vợ) mà có hành vi bắt người trái phép.
Thứ ba, về chủ thể tội phạm:
Nhóm thanh niên có hành vi “cướp vợ, bắt vợ” (đủ 16 tuổi và có đủ năng lực TNHS).
Thứ tư, mặt chủ quan tội phạm:
Đây là tội phạm thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp (thể hiện qua hành vi giữ tay chân, ép buộc cô gái lên xe gắn máy).
Như vậy, với hành vi như diễn ra trong clip, nhóm thanh niên đã bắt người trái pháp luật khi có hành vi dùng vũ lực như trói, khóa tay hoặc đe dọa dùng vũ lực buộc cô gái phải lên xe máy đến nơi theo ý chý của họ thì hành vi này hoàn toàn đủ cấu thành tội bắt, giữ, hoặc giam người trái pháp luật theo quy định tại Điều 123 BLHS 1999 sửa đổi 2009.
Ngoài ra, nếu hành vi bắt, giữ người trái pháp luật của nhóm thanh niên mà gây ra thương tích hoặc tổn hại sức khỏe cho cô gái thì còn có thể truy tố về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác.
Căn cứ vào mức độ nghiêm trọng và các tình tiết liên quan khác thì cơ quan điều tra sẽ tiến hành khởi tố vụ án theo đúng quy định pháp luật.
* Ý kiến cá nhân về phong tục “bắt vợ, cướp vợ”
Phong tục bắt vợ hay bắt chồng thường diễn ra ở môt số vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây được coi là một nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc trên. Tuy nhiên, với xã hội tiên tiến, văn minh như hiện nay, cá nhân tôi cho rằng, phong tục này chỉ nên được giữ lại theo “hình thức”. Tức là khi tiến hành “bắt vợ, cướp vợ” thì hai bên đã có sự đồng thuận, chỉ coi hành vi này như một nét đẹp nhằm bảo toàn văn hóa và truyền thống của dân tộc.
Phong tục này nếu diễn ra mà không có biểu hiệu thể hiện sự đồng ý của các bên liên quan thì người thực hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật theo quy định Điều 123 BLHS hiện hành quy định về hành vi bắt giữ người trái pháp luật và dẫn tới các hậu quả pháp lý nghiêm trọng.
Hơn thế nữa, hiện nay Luật hôn nhân gia đình cũng đã quy định một cách cụ thể chi tiết về chế độ hôn nhân tại Việt Nam và công dân Việt Nam bất kể tôn giáo, dân tộc phải tuân thủ theo quy định của Luật.
Chính vì thế, chính quyền quản lý các cấp và các ban ngành có thẩm quyền phải tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đặc biệt là cho các dân tộc thiểu số để mọi người có thể hiểu và tuân thủ các quy định của pháp luật. Từ đó loại bỏ và cải tiến một số hủ tục, đảm bảo các nét văn hóa truyền thống được lưu giữ trong khuôn khổ của pháp luật.
Công ty Luật Minh Bạch