Một buổi sáng, 2 bệnh nhân chết tại bệnh viện Trí Đức: Ai phải chịu trách nhiệm?
Sở Y tế TP Hà Nội vừa có báo cáo sự cố y khoa tại bệnh viện đa khoa Trí Đức (Hai Bà Trưng, Hà Nội) khiến 2 bệnh nhân tử vong sáng 25/12.
2 bệnh nhân được xác định là Quách Thị Mai P. (37 tuổi, quận Ba Đình) và Hoàng Văn T. (34 tuổi, quận Hoàng Mai).
2 bệnh nhân do 2 kíp mổ khác nhau thực hiện, mỗi kíp 5 người gồm 1 bác sĩ mổ, 1 bác sĩ gây mê, 1 kĩ thuật viên gây mê, 2 dụng cụ viên.
Sở y tế đã tạm đình chỉ hoạt động phẫu thuật tại bệnh viện Đa khoa Trí Đức và 10 cán bộ nói trên để phục vụ công tác điều tra.
Liên quan đến vụ việc nêu trên, cần xem xét trách nhiệm pháp lý trong trường hợp này, không hiểu rõ nguyên nhân gây ra cái chết cho 2 bệnh nhân trên là do biến chứng y khoa hoặc do do tắc trách, yếu kém chuyên môn. Vấn đề trong các vụ tai biến y tế hiện nay là những người trực tiếp có liên quan để xảy ra sự việc đều xác định thuộc về nguyên nhân khách quan, tức là do tắc trách và yếu kém về năng lực chứ rất ít trường hợp có kết luận là vi phạm quy định về khám chữa bệnh.Nếu có chỉ là dấu hiệu liên quan đến vi phạm quy định đó
Về nguyên tắc xử lý, sẽ phải tiến hành thành lập một hội đồng chuyên môn để xác định chính xác nguyên nhân xảy ra sự việc chứ không chỉ dựa vào báo cáo hay tường trình từ một bên. Bản lề của sự việc này là xem xét việc có hành vi vi phạm trách nhiệm trong chăm sóc và điều trị người bệnh hoặc vi phạm nghiêm trọng các quy định chuyên môn kỹ thuật để làm cơ sở cho việc xử lý hình sự đối với người có liên quan để xảy ra sự cố nêu trên.
Nếu không kết luận được bác sĩ đã vi phạm các quy định về khám chữa bệnh mà cụ thể trong trường hợp này là các quy định về thăm khám, phẫu thuật, cấp cứu thì chỉ có thể xử lý kỷ luật đối với 2 e kíp này và yêu cầu bệnh viện phải bồi thường thiệt hại cho những tổn thất mà gia đình phải chịu đựng. Căn cứ vào Điều 618 Bộ luật dân sự về bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra thì cơ sở này phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; sau khi đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.
Nguyên tắc bồi thường thiệt hại căn cứ theo quy định tại Điều 605 Bộ luật dân sự, theo đó thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Việc bồi thường được hướng dẫn bởi Khoản 1 Mục 1 Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP, theo đó người nhà nạn nhân có thể được bồi thường cho những thiệt hại về vật chất và tinh thần từ việc người thân bị chết.
Phải xem xét các dấu hiệu hình sự.
Việc thường xuyên kết luận do tắc trách, yếu kém chuyên môn đã khiến nỗi sợ của bệnh nhân với ngành Y tế tăng cao trong thời gian gần đây, một phần bởi pháp luật có quy định nhưng gần như không được áp dụng trên thực tế. Căn cứ theo quy định của Điều 242 Bộ luật hình sự 1999 về Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác thì người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người khác hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Theo Khoản 2, Điều 315, Bộ Luật Hình sự năm 2015 sắp có hiệu lực mới đây thì sẽ bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm nếu gây ra hậu quả làm chết 02 người, ngoài ra theo khoản 5 điều này người phạm tội còn bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Trường hợp này thiệt hại là tính mạng con người. Dựa vào điều này có thể kết luận, nếu xác định bác sĩ trực tiếp tiến hành phẫu thuật cho nạn nhân đã vi phạm các quy định về khám bệnh, chữa bệnh như sai sót trong chẩn đoán, thực hiện sai quy trình cấp cứu…và giám định pháp y cho thấy rõ điều này thì đủ yếu tố để cấu thành tội phạm với bác sĩ đã thực hiện hành vi vi phạm về tội danh vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh theo điều 242 Bộ luật hình sự 1999, mức cao nhất của khung hình phạt có thể lên đến 15 năm tù, ngoài ra việc bồi thường thiệt hại vẫn được xác định theo đúng quy định hiện hành của pháp luật dân sự.
Tuy nhiên trong trường hợp này chưa thể kết luận được là các y bác sỹ của bệnh viện Đa khoa Trí Đức vi phạm quy định về khám chữa bệnh theo điều 242 Bộ Luật hình sự năm 1999, mà chỉ xem là có dấu hiệu vi phạm quy định trên, muốn xác định rõ hành vi có vi phạm quy định trên hay không còn phụ thuộc vào kết luận của cơ quan điều tra để đưa ra các mặt cấu thành tội phạm, mặt khách quan, chủ quan… để xác định đúng trách nhiệm pháp lý của các cá nhân, cơ quan tổ chức trong trường hợp gây ra thiệt hại trên