Chào Luật sư!
Liên quan tới vấn đề cư dân chung cư CT1 Trung Văn – Vinaconex 3 phản ánh tòa nhà này chưa được cơ quan chức năng nghiệm thu PCCC. Hiện nay, đã có 345/360 căn hộ đã có người sinh sống.
- Theo Luật sư, việc tòa nhà chưa được nghiệm thu hệ thống PCCC nhưng chủ đầu tư Vinaconex 3 đã để cho cư dân vào ở. CĐT đã vi phạm quy định gì?
- Trách nhiệm của CĐT, trong trường hợp chung cư có cháy nổ ra sao?
- Để xảy ra sự việc trên, trách nhiệm thuộc về những đơn vị nào?
Ảnh minh họa
Trả lời:
Trên địa bàn Hà Nội trong thời gian qua xảy ra một loạt vụ cháy nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Nguyên nhân không nhỏ trong các vụ việc trên xuất phát từ sự yếu kém trong công tác PCCC ngay tại các cơ sở đó. Khi xảy ra các vụ việc đáng thì mới lộ ra một loạt sai phạm về vấn đề này.
Liên quan tới vấn đề cư dân chung cư CT1 Trung Văn- Vinaconex 3 phản ánh việc chung cư chưa được nghiệm thu PCCC nhưng vẫn đưa vào sử dụng và gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho người dân đang sinh sống tại đây cũng như khu lân cận.
Theo phản ánh này thì chủ đầu tư đã vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật phòng cháy chữa cháy và các nghị định, thông tư liên quan.
Cụ thể, điểm h, Khoản 1, Điều 7 của Nghị định số 79/2014/NĐ-CP QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY VÀ LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY quy định:
“Cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy sau đây: Có văn bản thẩm duyệt, kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đối với công trình quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này”.
Tại điểm 9, phụ lục II quy định chung cư là một trong các đối tượng có nguy hiểm về cháy nổ.
Cũng theo Điều 17 của Nghị định số 79/2014/NĐ-CP quy định:
“1. Dự án, công trình, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy đã, được thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy, trước khi đưa vào sử dụng phải được chủ đầu tư, chủ phương tiện tổ chức nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.
Nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy bao gồm nghiệm thu từng phần, từng giai đoạn, từng hạng mục và nghiệm thu bàn giao; riêng đối với các bộ phận, của công trình, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy khi thi công bị che khuất thì phải được nghiệm thu trước khi tiến hành các công việc tiếp theo.
– Điều 8 Thông tư số 66/2014/TT-BCA quy định
“1. Dự án, công trình, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy đã được thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy, trước khi đưa vào sử dụng phải được chủ đầu tư, chủ phương tiện tổ chức nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy theo hồ sơ thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đã được cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thẩm duyệt”
=> Như vậy, theo những quy định trên thì chủ đầu tư bắt buộc phải tổ chức nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy trước khi đưa công trình vào sử dụng.
Trong trường hợp, chưa nghiệm thu về pccc mà chủ đầu tư vẫn cố tình đưa công trình vào sử dụng thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như sau:
Khoản 6, Khoản 7, Điều 36 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định:
“6. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi đưa nhà, công trình vào hoạt động, sử dụng khi chưa tổ chức nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.
- Biện pháp khắc phục hậu quả:
- b) Buộc tổ chức để cơ quan quản lý nhà nước nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy đối với hành vi quy định tại Khoản 6 Điều này.”
Trong trường hợp chung cư xảy ra cháy nổ thì chủ đầu tư có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 240 BLHS 1999 sửa đổi 2009 với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 12 năm tù giam.
Cụ thể:
Điều 240. Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy
- Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
- Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến tám năm.
- Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười hai năm.
- Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Để xảy ra vụ việc trên, đầu tiên trách nhiệm thuộc về các cơ quan quản lý về pccc của cấp cơ sở. Không lý do gì mà một tòa chung cư ở ngay giữa Thủ Đô Hà Nội đã đưa vào sử dụng và có 345/360 căn hộ đã có người sinh sống mà lại thiếu các thủ tục nghiệm thu PCCC – một trong những thủ tục cần thiết nhất trước khi đưa vào sử dụng.
Đây là vấn đề không chỉ riêng trong lĩnh vực pccc mà đây còn là vấn đề chung trong công tác quản lý ở nước ta hiện nay. Sự quản lý lỏng lẻo, hời hợt chính là một phần nguyên nhân trong các vụ tai thương tâm vừa qua.