Hotline tư vấn: 0243 999 0601
Tư vấn qua email: info@luatminhbach.vn

Điều 218 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về định đoạt tài sản chung

Điều 218. Định đoạt tài sản chung

1. Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền định đoạt phần quyền sở hữu của mình.

2. Việc định đoạt tài sản chung hợp nhất được thực hiện theo thỏa thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của pháp luật.

3. Trường hợp một chủ sở hữu chung theo phần bán phần quyền sở hữu của mình thì chủ sở hữu chung khác được quyền ưu tiên mua.

Trong thời hạn 03 tháng đối với tài sản chung là bất động sản, 01 tháng đối với tài sản chung là động sản, kể từ ngày các chủ sở hữu chung khác nhận được thông báo về việc bán và các điều kiện bán mà không có chủ sở hữu chung nào mua thì chủ sở hữu đó được quyền bán cho người khác. Việc thông báo phải được thể hiện bằng văn bản và các điều kiện bán cho chủ sở hữu chung khác phải giống như điều kiện bán cho người không phải là chủ sở hữu chung.

Trường hợp bán phần quyền sở hữu mà có sự vi phạm về quyền ưu tiên mua thì trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày phát hiện có sự vi phạm về quyền ưu tiên mua, chủ sở hữu chung theo phần trong số các chủ sở hữu chung có quyền yêu cầu Tòa án chuyển sang cho mình quyền và nghĩa vụ của người mua; bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại.

4. Trường hợp một trong các chủ sở hữu chung đối với bất động sản từ bỏ phần quyền sở hữu của mình hoặc khi người này chết mà không có người thừa kế thì phần quyền sở hữu đó thuộc về Nhà nước, trừ trường hợp sở hữu chung của cộng đồng thì thuộc sở hữu chung của các chủ sở hữu chung còn lại.

5. Trường hợp một trong các chủ sở hữu chung đối với động sản từ bỏ phần quyền sở hữu của mình hoặc khi người này chết mà không có người thừa kế thì phần quyền sở hữu đó thuộc sở hữu chung của các chủ sở hữu còn lại.

6. Trường hợp tất cả các chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu của mình đối với tài sản chung thì việc xác lập quyền sở hữu được áp dụng theo quy định tại Điều 228 của Bộ luật này.

0.0 sao của 0 đánh giá

Bài viết liên quan

Quy trình nhận hồ sơ TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 45/2016/QĐ-TTg về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.

Theo đó, quy trình nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của tổ chức, cá nhân được quy định như sau:
– Nhận hồ sơ tại điểm cung cấp dịch vụ bưu chính công ích hoặc tại địa chỉ theo yêu cầu;
– Đại diện tổ chức, cá nhân có hồ sơ cần chuyển phát cùng với nhân viên bưu chính (NVBC) kiểm đếm, đối chiếu với danh mục tài liệu đã được cơ quan có thẩm quyền công bố công khai;
– Nếu tài liệu còn thiếu so với danh mục được công bố công khai thì NVBC có trách nhiệm hướng dẫn bổ sung đầy đủ;
– NVBC và đại diện tổ chức, cá nhân lập và cùng ký vào phiếu  hồ sơ theo mẫu do doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính phát hành;
– NVBC trực tiếp đóng gói và niêm phong hồ sơ có sự chứng kiến của đại diện tổ chức, cá nhân để chuyển phát;
– NVBC thực hiện thu phí, lệ phí (nếu có) và cấp biên lai theo quy định.
Quyết định 45/2016/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 16/12/2016.

Thủ tục đăng ký chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh

Loại hình công ty TNHH 2 thành viên trở lên, khi chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thì cần tiến hành những thủ tục sau:

Cơ quan thực hiện : Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đặt trụ sở

Cách thức thực hiệnNgười đăng ký hoặc người đại diện theo ủy quyền (sau đây viết tắt là người đăng ký) nộp đầy đủ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả – Văn phòng Phát triển kinh tế hoặc nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử  (Thông qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp theo địa chỉ

Thành phần hồ sơ :

1) Đối với chi nhánh, văn phòng đại diện:

– Thông báo về việc chấm dứt hoạt động chi nhánh,văn phòng đại diện;

– Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu có);

– Quyết định của Hội đồng thành viên về việc chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện

– Danh sách chủ nợ và số nợ chưa thanh toán, gồm cả nợ thuế của chi nhánh và nợ tiền đóng bản hiểm xã hội;

– Danh sách người lao động và quyền lợi tương ứng hiện hành của người lao động;

– Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện;

– Giấy xác nhận của cơ quan công an về việc hủy con dấu của chi nhánh, văn phòng đại diện (nếu có).

– Con dấu của chi nhánh, văn phòng đại diện (nếu có).

c.2) Đối với  địa điểm kinh doanh:

– Thông báo về việc chấm dứt hoạt động địa điểm kinh doanh;

– Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh.

c.3) Đối với người được ủy quyền nộp hồ sơ, kèm theo:

(1) Bản sao hợp lệ hợp đồng cung cấp dịch vụ giữa người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp và tổ chức làm dịch vụ thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp và giấy giới thiệu của tổ chức đó cho cá nhân trực tiếp thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp; hoặc

(2) Văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật cho cá nhân thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp.

(3) Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ: Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác còn hiệu lực của người đại diện theo ủy quyền nộp hồ sơ.

Số lượng : 01 bộ hồ sơ

Thời hạn giải quyết :

(1) Đối với chấm dứt hoạt động địa điểm kinh doanh: 03 ngày làm việc;

(2) Đối với chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện: 05 ngày làm việc.

Mọi ý kiến thắc mắc vui lòng liên hệ hotline 19006232 hoặc số điện thoại 0987.892.333 để được giải đáp

Điều 123 Bộ luật dân sự 2015

Điều 123. Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội

Giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu.

Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định.

Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.

Tư vấn về chế độ thai sản.

Câu hỏi:

Anh Phạm Hồng Hà ở quận Hà Đông, thành phố Hà Nội có câu hỏi như sau: Vợ tôi vừa sinh con. Vợ chồng tôi cùng tham gia bảo hiểm xã hội thì tôi có được nhận chế độ bảo hiểm không?

Cám ơn Luật sư!

BHXH_2

 Ảnh minh họa  (internet)

Luật sư trả lời:

Cám ơn anh đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Minh Bạch!

Trường hợp của anh, chúng tôi xin được giải đáp thắc mắc như sau:

Nếu vợ anh đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản thì khi vợ anh sinh con, anh được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 05 ngày làm việc; 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi; trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc; trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc. Trường hợp vợ anh không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản thì bạn được nhận trợ cấp 01 lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con (nếu bạn đã đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con).

Trân trọng!

Điều 38 Bộ luật dân sự 2015

Chi tiết điều 38, Bộ luật dân sự 2015 như sau :

Điều 38 : Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình 

1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.

3. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.

Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.

4. Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Thủ tục thay đổi giám đốc công ty trong công ty TNHH

Câu hỏi: 

Hiện nay tôi đang làm giám đốc công ty TNHH Xây dựng một thành viên, thành lập từ năm 2007, nay tôi định chuyển sang cho vợ đứng tên làm giám đốc. Vậy tôi cần làm những giấy tờ thủ tục gì? Cảm ơn luật sư. 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng Luật Minh Bạch và gửi câu hỏi về cho chúng tôi, Chúng tôi xin trả lời tư vấn cho bạn như sau:

TH1: Bạn muốn chuyển sang cho vợ làm giám đốc, đồng thời là người đại diện theo pháp luật trong giấy đăng ký doanh nghiệp bạn cần chuẩn bị những giấy tờ sau (Nộp hồ sơ thông báo thay đổi tại phòng đăng ký kinh doanh của Sở kế hoạch và đầu tư):

  1. Thông báo về việc thay đổi người đại diện theo pháp luật (Theo mẫu quy định tại thông tư 20/2015/TT-BKHĐT)
  2. Quyết định của chủ sở hữu công ty.
  3. Bản sao giấy tờ chứng thực cá nhân của vợ bạn
  4. Bản sao hợp lệ Chứng chỉ hành nghề của vợ bạn (trong trường hợp Công ty có đăng ký ngành, nghề kinh doanh mà pháp luật chuyên ngành yêu cầu Giám đốc phải có chứng chỉ hành nghề).

TH2: Nếu bạn chỉ chuyển cho vợ làm giám đốc, không thay đổi người đại diện theo pháp luật thì việc thay đổi người giữ chức vụ giám đốc chỉ là hoạt động nội bộ, công ty không phải thực hiện thủ tục thông báo tại cơ quan nhà nước.

Từ năm 2020, cấm Chủ tịch HĐQT kiêm chức danh Tổng giám đốc

Nghị định 71/2017/NĐ-CP hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng sẽ có hiệu lực từ ngày 01/8/2017 và bãi bỏ Thông tư 121/2012/TT-BTC ngày 26/7/2012.

Theo đó, tư cách thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) của công ty đại chúng có những thay đổi sau:

– Từ ngày 01/8/2020: Chủ tịch HĐQT không được kiêm nhiệm chức danh Giám đốc (Tổng giám đốc) của cùng 01 công ty đại chúng (hiện tại vẫn cho phép nếu được phê chuẩn hàng năm tại Đại hội đồng cổ đông thường niên).

– Từ ngày 01/8/2019: Thành viên HĐQT của 01 công ty đại chúng không được đồng thời là thành viên HĐQT tại quá 05 công ty khác.

Ngoài ra, Nghị định còn bổ sung thêm một số nội dung đáng chú ý như:

– Công bố thông tin thu nhập của Giám đốc và người quản lý khác thành mục riêng trong báo cáo tài chính hàng năm của công ty và phải báo cáo Đại hội đồng cổ đông tại cuộc họp thường niên.

– Đại hội đồng cổ đông được trao quyền trong việc thông qua Quy chế nội bộ về quản trị công ty do HĐQT xây dựng.

Điều 78 Bộ luật dân sự 2015

Điều 78. Tên gọi của pháp nhân

1. Pháp nhân phải có tên gọi bằng tiếng Việt.

2. Tên gọi của pháp nhân phải thể hiện rõ loại hình tổ chức của pháp nhân và phân biệt với các pháp nhân khác trong cùng một lĩnh vực hoạt động.

3. Pháp nhân phải sử dụng tên gọi của mình trong giao dịch dân sự.

4. Tên gọi của pháp nhân được pháp luật công nhận và bảo vệ.

Trường hợp nào không được ly hôn?

Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định quyền yêu cầu giải quyết ly hôn tại Điều 51 có thể là vợ, chồng hoặc thâm chí cả người thân thích cũng đều có quyền này.

Tuy nhiên không phải tất cả những trường hợp cứ có mong muốn ly hôn là có thể yêu cầu Tòa án giải quyết.

Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định việc ly hôn theo yêu cầu của một bên chỉ được Tòa án giải quyết nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

Theo đó, vợ chồng sẽ không được phép ly hôn khi:

– Không có căn cứ có về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

Tại khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 cũng quy định “Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi”.

Quy định này đặt ra nhằm đảm bảo quyền lợi cho người phụ nữ và trẻ em, pháp luật hạn chế quyền ly hôn của người chồng trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Trên thực tế, việc xác định người vợ đang nuôi con dưới 12 tháng dựa trên sự thực là người vợ đang chăm sóc, trông nom, nuôi dưỡng con dưới 12 tháng, do vậy khi thực hiện quy định sẽ phát sinh tranh chấp, vướng mắc trong một số trường hợp cụ thể  mà chúng ta cần phải xác định xem người chồng có được quyền đơn phương ly hôn hay không, chẳng hạn như:

  • Trường hợp người phụ nữ sinh con dưới 12 tháng tuổi nhưng không nuôi con, thì trên thực tế họ không được xét vào trường hợp mang thai/ sinh con/ đang nuôi con, như vậy người chồng vẫn có thể đơn phương ly hôn;
  • Người phụ nữ mang thai hộ cho người khác thì về nguyên tắc người phụ nữ vẫn được coi là đang mang thai và người chồng không có quyền ly hôn;
  • Người phụ nữ nhờ người khác mang thai hộ, nên trên thực tế họ cũng không được xác định là đang mang thai/sinh con/nuôi con dưới 12 tháng tuổi, nên trong trường hợp này người chồng không bị hạn chế quyền ly hôn;
  • Trường hợp người phụ nữ nhận nuôi con nuôi (hợp pháp theo quy định của pháp luật) mà đứa con dưới 12 tháng tuổi thì về nguyên tắc người chồng cũng bị hạn chế quyền yêu cầu li hôn.

 

Điều 151 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về cách tính thời hiệu

Điều 151. Cách tính thời hiệu

Thời hiệu được tính từ thời điểm bắt đầu ngày đầu tiên của thời hiệu và chấm dứt tại thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hiệu.

____________________________________________________

Trên đây là quan điểm trả lời của Luật Minh Bạch. Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, để được hỗ trợ và tư vấn cụ thể hơn, quý bạn đọc vui lòng liên hệ theo địa chỉ:

Công ty Luật Minh Bạch

Phòng 703, số 272 Khương Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội

Hotline: 1900.6232

Email: luatsu@luatminhbach.vn

Trân trọng!

Những trường hợp tòa án trả lại đơn khởi kiện đối với quyết định hành chính về quản lý đất đai

Thời gian qua, vấn đề nổi cổm hiện lên là các quyết định hành chính về quản lý đất đai được ban hành, nhưng không được sự đồng thuận của người dân, tạo nên những bức xúc, dẫn đến tình trạng xung đột, người dân đi kiện tụng, nhưng không phải trường hợp nào cũng được tòa án thụ lý và giải quyết, có những trường hợp bị trả lại đơn khởi kiện, cụ thể : 

mau-don-khoi-kien-ly-hon

Toà án trả lại đơn khởi kiện trong những trường hợp sau đây:

–  Người khởi kiện không có quyền khởi kiện.

–  Thời hiệu khởi kiện đã hết mà không có lý do chính đáng.

– Không đủ điều kiện khởi kiện vụ án hành chính theo quy định.

– Sự việc đã được giải quyết bằng bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án.

– Sự việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án.

Khi trả lại đơn khởi kiện, Toà án phải có văn bản kèm theo ghi rõ lý do trả lại đơn khởi kiện.

Trong thời hạn ba ngày (03) làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo do Toà án trả lại, người khởi kiện có quyền khiếu nại với Chánh án Toà án đã trả lại đơn khởi kiện.

Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại về việc trả lại đơn khởi kiện, Chánh án Toà án phải ra một trong các quyết định sau đây:

+  Giữ nguyên việc trả lại đơn khởi kiện.

+  Nhận lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo để tiến hành việc thụ lý vụ án.

Điều 217 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về sử dụng tài sản chung

Điều 217. Sử dụng tài sản chung

1. Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản chung tương ứng với phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

2. Các chủ sở hữu chung hợp nhất có quyền ngang nhau trong việc khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản chung, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Bài viết cùng chủ đề

Bài viết mới nhất

video tư vấn

dịch vụ tiêu biểu

Bài viết xem nhiều

dịch vụ nổi bật